Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội; đồng thời phân giao vốn kịp thời tới từng đơn vị cấp huyện để thực hiện. Trong 5 tháng đầu năm 2023, chi nhánh đã tiếp nhận, phê duyệt cho vay và giải ngân cho 102 khách hàng có nhu cầu vay vốn để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022) với số tiền 41,4 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/5/2023 đạt hơn 197,6 tỷ đồng với 577 khách hàng còn dư nợ.
Gia đình bà Nguyễn Thị Vân, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, từ lâu phải sống trong ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, được vay 400 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội cùng với số tiền tiết kiệm, hỗ trợ từ anh em họ hàng, gia đình bà đã xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang, kiên cố.
Bà Nguyễn Thị Vân cho biết, được tiếp cận chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội với mức lãi suất thấp, thời hạn cho vay lên tới 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên, gia đình rất phấn khởi. Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kim Bảng đã nhiệt tình hướng dẫn các thủ tục và giải ngân nhanh chóng theo từng giai đoạn đầu tư. Có nhà mới, gia đình bà yên tâm lao động, sản xuất để trả vốn vay theo đúng quy định.
Về việc triển khai cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Sở Xây dựng nắm bắt tình hình triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, cập nhật danh sách đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội trên website của Sở Xây dựng để làm cơ sở khảo sát nhu cầu vay vốn. Vừa qua, 11 khách hàng đầu tiên là công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Đồng Văn IV đã được ký kết hợp đồng giải ngân khoản vay mua nhà ở xã hội.
Chị Phạm Thị Mai, công nhân Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera là một trong những người đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hà Nam được giải ngân khoản vay mua nhà ở xã hội vui mừng cho biết, chị làm việc tại Khu công nghiệp Đồng Văn IV đã được 5 năm. Suốt 5 năm qua, vợ chồng chị với 1 con nhỏ ở nhờ nhà mẹ đẻ chị cách nơi làm việc hơn 5 km. Sống cùng mẹ đẻ nhưng nhà chật chội, đông người nên cũng có nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Tuy nhiên, với thu nhập của hai vợ chồng làm công nhân thì việc mua đất, làm nhà thật sự rất khó khăn.
Vừa qua, chị đã được vay 400 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi, thời hạn vay lên tới 25 năm, giấc mơ có được mái ấm riêng của vợ chồng chị đã thành hiện thực. Với số vốn vay cùng khoản tiết kiệm chị đã mua được 1 căn hộ thuộc dự án ở xã hội Khu công nghiệp Đồng Văn IV với giá 619 triệu đồng. Căn hộ có diện tích 67 m2 với 3 phòng ngủ, rất gần công ty chị làm việc, thuận tiện đưa đón con đi học. Có được tổ ấm riêng, vợ chồng chị rất phấn khởi và đã lên kế hoạch sinh thêm cháu thứ 2.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam cho biết, chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội là chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thiết thực đối với các đối tượng được thụ hưởng nên khi triển khai thực hiện, Chi nhánh luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và nhân dân. Tuy nhiên, đối với cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, tiến độ xây dựng tại một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh còn chậm; đối tượng được duyệt mua, thuê mua nhà ở xã hội còn ít nên việc giải ngân cho vay cũng còn hạn chế.
Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chính sách cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân để biết, theo dõi, giám sát và tiếp cận khi có nhu cầu. Chi nhánh cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt thống kê, rà soát, bổ sung các đối tượng trong diện thụ hưởng, hướng dẫn, tạo điều kiện giúp họ tiếp cận vốn vay để kịp thời giải ngân vốn theo quy định. Hằng năm, rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn về nhà ở và đề xuất các giải pháp bổ sung nguồn vốn đáp ứng với yêu cầu thực tế ở từng địa phương.