“Sau khi giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) từ đầu năm, mới đây, NHNN đã cấp phần còn lại của 14% cho các NHTM. Hiện, NHNN tiếp tục theo dõi, giám sát kịp thời, quản lý tốt việc tăng trưởng. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ điều hành TTTD hợp lý trong năm 2023 và các năm tiếp theo”, ông Đào Minh Tú cho biết.
Các tiêu chí chính sách phân bổ chỉ tiêu TTTD được NHNN công bố công khai ngay từ đầu năm tại Chỉ thị 01 của Thống đốc và đều được kiểm toán NHNN, kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán, đánh giá, thể hiện rõ nguyên tắc công khai, minh bạch.
Theo ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), để rộng đường dư luận và để các ngân hàng rõ, mới đây, NHNN đã yêu cầu các NHTM trao đổi thẳng thắn về room tín dụng. Đây là cuộc họp hiếm hoi, dân chủ, công khai kéo dài tới 7 tiếng. Sau đó, 100% ngân hàng đã đồng tình với điều hành tín dụng khoa học, hợp lý trên cơ sở điều kiện hoạt động, khả năng tài chính của các tổ chức tín dụng (TCTD) để ổn định và hỗ trợ các TCTD.
Quan điểm của NHNN tại Chỉ thị 01 từ đầu năm 2022 là điều hành chính sách linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường. “NHNN sẽ xem xét điều chỉnh room tín dụng phù hợp để kiểm soát lạm phát không chỉ năm 2022, mà còn các năm khác khi lạm phát còn biến động khó lường”, ông Phạm Chí Quang cho biết.
Trước năm 2021, do đặc thù kinh tế Việt Nam, các nhu cầu vốn phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, kênh tín dụng là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế, có tốc độ tăng nhanh. Giai đoạn 2007 - 2010, tín dụng tăng bình quân trên 36%, tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng nhanh, kéo theo các cuộc đua lãi suất, lãi suất cho vay, nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao. Nhiều TCTD mất khả năng thanh toán, hệ thống đứng trước bờ vực khủng hoảng, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát lên mức 2 con số, đỉnh điểm là vào năm 2008.
Các tổ chức quốc tế IMF, WB, Moody’s… cảnh báo nới lỏng tín dụng giai đoạn này đã gia tăng nguy cơ rủi ro trọng yếu đối với nền kinh tế, đe dọa an toàn hệ thống, mất khả năng kiểm soát, nợ xấu... Trong khi đó, theo NHNN, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động ngân hàng.
"Trước bối cảnh đó, từ năm 2011, kết hợp với việc siết chặt hoạt động thanh tra giám sát theo các tiêu chí an toàn theo chuẩn mực quốc tế, NHNN đã giao chỉ tiêu TTTD cho từng TCTD căn cứ vào năng lực tài chính, quản trị, điều hành của từng TCTD. Đồng thời, NHNN thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh, cập nhật để đảm bảo biện pháp điều hành TTTD bám sát tình hình thực tiễn, nhằm đạt mục tiêu hàng năm do Chính phủ, NHNN đặt ra trong kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối", ông Phạm Chí Quang nhấn mạnh.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), tổng kết quá trình triển khai biện pháp phân bổ chỉ tiêu TTTD từ 2011 đến nay, TTTD toàn hệ thống giảm mạnh từ 30% /năm (cá biệt có năm lên tới 53,8%) xuống chỉ còn 12 – 14% những năm gần đây. Từ 2020 đến nay, kinh tế Việt Nam liên tục trải qua nhiều biến động lớn, ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động ngân hàng, áp lực lạm phát tăng cao, khiến hầu hết ngân hàng Trung ương (NHTW) trên thế giới đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT), tăng mạnh lãi suất, gây thách thức rất lớn cho công tác điều hành CSTT và tín dụng của NHNN.
Trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phẩn kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Kiểm soát lạm phát là yêu cầu cao nhất từ nay đến cuối năm, nên NHNN vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%.
Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. “NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ các chính sách khác, trong đó có chính sách tài khoá, để đảm bảo mục tiêu của Chính phủ cũng như các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Theo bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, trong 9 tháng năm 2022, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bám sát định hướng điều hành tín dụng từ đầu năm, NHNN đã chỉ đạo hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Trước nhu cầu phục hồi của nền kinh tế, các hoạt động sản xuất – kinh doanh, nhu cầu đời sống trở lại bình thường, tín dụng các ngành, lĩnh vực đều tăng ngay từ đầu năm 2022 và hầu hết tăng cao hơn cùng kỳ 2021, 2020 (là 2 năm chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19).
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, linh hoạt và có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá, chính sách vĩ mô khác để đảm bảo mục tiêu kinh tế; đồng thời, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nêu ra 4 mục tiêu quan trọng của ngành Ngân hàng trong điều hành CSTT.
Mục tiêu thứ nhất là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. “Đây là mục tiêu ưu tiên số trong điều hành CSTT của NHNN”, Phó Thống đốc cho biết.
Thứ hai là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện nhanh chóng để khôi phục nền kinh tế sau dịch, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế trên 6,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra.
Thứ ba là tiếp tục đảm bảo thanh khoản của nền kinh tế, đảm bảo thanh khoản của các TCTD đối với nền kinh tế.
Thứ tư là đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD bằng các công cụ an toàn, các chỉ số đảm bảo an toàn của các TCTD và tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Do đó, các công cụ điều hành CSTT phải đảm bảo mục tiêu yêu cầu.