Ông Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tái cấp vốn sẽ giúp các ngân hàng thương mại tiếp cận được nguồn vốn vay rẻ hơn. Sử dụng lãi suất tái cấp vốn là nghiệp vụ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng.
Còn theo Công ty Chứng khoán BSC thì việc hạ lãi suất điều hành sẽ tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ xuống khiến chi phí sử dụng dòng vốn thấp, từ đó, cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Người dân có thể quyết định tiêu dùng nhiều hơn chi chi phí vay vốn thấp. Hiện tượng này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng khối lượng đơn hàng cho doanh nghiệp.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, nhận định, hạ lãi suất là động thái tích cực giúp nền kinh tế có thể tăng trưởng trong thời gian tới cùng với các chính sách tài khóa vừa rồi của Chính phủ. Tuy nhiên phải đến quý III, mức độ tác động của những chính sách này mới có hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Thế Minh đây là đợt giảm lãi suất lần thứ 3 trong bối cảnh kinh tế đã tăng trưởng khá thấp trong quý I vừa rồi. Các doanh nghiệp cũng gặp khó vì tình hình kinh tế nói chung. Động thái này của Ngân hàng Nhà nước sẽ góp phần làm giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại và tiết giảm được chi phí cho các doanh nghiệp, nhất là chi phí lãi vay.
Ngoài ra, hạ lãi suất là bước đi khá hợp lý của nhà điều hành để hỗ trợ sức khỏe của nền kinh tế sớm hồi phục trở lại. Song động lực cho tín dụng tăng trưởng trở lại còn phụ thuộc vào hai yếu tố là khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng hồi phục của nền kinh tế.
Ông Hà Văn Cường, Giám đốc công ty về thiết bị điện tử tại Hà Nội cho biết, là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang có nhu cầu mở rộng sản xuất nên rất cần vay vốn. Trước thông tin ngân hàng giảm lãi suất cho vay, công ty rất phấn khởi và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để vay vốn ngân hàng.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho rằng, giảm lãi suất là mong mỏi của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ suốt thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước điều hành để cắt giảm mặt bằng lãi suất huy động, rồi đề nghị các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để có nền tảng giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế dù lãi suất ngân hàng giảm, nhưng việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn không dễ dàng, tín dụng vẫn thấp. Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro. Nhà điều hành cũng khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, chiều 23/5, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo 2 Quyết định liên quan đến lãi suất có hiệu lực từ ngày 25/5/2023.
Cụ thể là Quyết định số 950/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng.
Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
Quyết định thứ 2 là Quyết định số 951/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014.
Theo quyết định này, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.