Theo dự báo, lộ trình tăng lãi suất của FED cụ thể bao gồm tăng 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp vào đầu tháng 11/2022, tiếp theo tăng 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12/2022 và tăng 0,25 điểm phần trăm vào tháng 2 và tháng 3/2023.
Dự báo trên được đưa ra trên cơ sở tình trạng lạm phát cao vẫn diễn biến khó lường, yêu cầu hạ nhiệt nền kinh tế và việc cần tránh nới lỏng các điều kiện tài chính quá sớm.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã liên tục tăng điểm nhờ kỳ vọng FED điều chỉnh chính sách, nhưng đã giảm mạnh trở lại khi số liệu mới cho thấy lạm phát cao kéo dài và FED vẫn duy trì tốc độ tăng lãi suất.
Trong khi đó, đồng USD đã tăng giá trong phiên giao dịch sáng 31/10 tại thị trường châu Á, sau khi dữ liệu về mức chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng cho thấy vẫn tiềm ẩn áp lực lạm phát, bên cạnh những dự đoán Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể giảm tốc độ tăng lãi suất.
Trong phiên giao dịch sáng 31/10, "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với các loại tiền tệ chủ chốt khác, trong đó đáng kể nhất là so với đồng yen của Nhật Bản. Cụ thể, đồng USD tăng giá hơn 0,5% so với đồng yen, theo đó 1 USD đổi được hơn 148 yen, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 28/10 thông báo quyết định giữ tỷ lệ lãi suất cực thấp. Trong khi đó, đồng bảng Anh và đồng euro đều giảm giá khoảng 0,1% so với đồng USD.
Bà Carol Kong - một chuyên gia về chiến lược tài chính của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) - cho biết: "Các thị trường dường như kỳ vọng một sự xoay chuyển của FED trong chính sách tiền tệ. Tôi cho rằng kỳ vọng như vậy là quá sớm, xét khả năng phục hồi của nền kinh tế và đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay".