TPDN hạ nhiệt, giảm cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp
Theo lãnh đạo VCCI, thị trường vốn luôn có vai trò chủ đạo; trong đó thị trường TPDN có vai trò quan trọng là kênh tài trợ vốn vay trung - dài hạn cho tổ chức kinh tế, đi song song với thị trường vốn vay ngân hàng. Qua đó, thị trường vốn giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng; đồng thời giảm rủi ro cho các doanh nghiệp, không bị quá phụ thuộc vào hệ thống tín dụng ngân hàng.
Trong 5 năm gần đây, thị trường TPDN Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm. Tính đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vào khoảng 15% GDP sau điều chỉnh. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng như vậy, nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (% GDP), Thái Lan (25% GDP).
“Những vụ việc liên quan đến các vi phạm pháp lý trên thị trường vốn, những rủi ro của thị trường TPDN đang trở thành điểm nghẽn khi hành lang pháp lý chưa hoàn toàn hoàn thiện và hạ tầng thị trường chưa thực sự đồng bộ, các chủ trương chính sách rà soát, quản lý thị trường trái phiếu nói riêng, thị trường vốn nói chung theo hướng sát sao minh bạch, hiệu quả để hướng đến triển vọng tương lai là hoàn toàn đúng đắn; song vẫn khó tránh khỏi những tác động ngắn hạn”, ông Hoàng Quang Phòng cho biết.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, những tháng đầu năm nay, thị trường TPDN đang có dấu hiệu hạ nhiệt vì một số chính sách mới, làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp, qua đó, làm chậm nhịp phục hồi và phát triển và lỡ nhịp chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội 2022 - 2023 của quốc gia.
Trong quý I/2022, tổng khối lượng phát hành trái phiếu đạt 56.674 tỷ đồng. Trong đó, nhóm bất động sản (BĐS) vẫn là nhóm dẫn đầu về khối lượng phát hành, tổng giá trị ở mức 28.581 tỷ đồng, tăng 22% so với quý I/2021. Nhóm các doanh nghiệp xây dựng xếp ở vị trí thứ 2 với tổng giá trị phát hành là 8.280 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng thương mại cũng rất đáng chú ý với mức phát hành trái phiếu tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm trước, ở mức 9.353 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 4/2022, toàn thị trường không có đợt phát hành nào của các doanh nghiệp BĐS. Khối NHTM vươn lên chiếm vị trí đầu. Điều đó cho thấy tác động của các chính sách đối với doanh nghiệp BĐS trong kế hoạch phát hành trái phiếu là vô cùng rõ ràng.
Trong khi đó, khối BĐS– xây dựng cũng là khối tham gia phát triển hạ tầng chủ đạo. Việc đứng khựng huy động vốn trái phiếu có thể ảnh hưởng đến cả kế hoạch thúc đẩy phục hồi kinh tế, xã hội khi ngay cả đầu tư công cũng cần sự tham gia của khu vực tư nhân có vốn đối ứng + vốn theo tiến độ. Ngoài ra, sự co cụm của các doanh nghiệp BĐS nói chung với kênh trái phiếu cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn thật, dự án thật, những doanh nghiệp ngành quan trọng theo như khẳng định của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, và còn kéo theo 270 ngành phụ trợ trong nền kinh tế.
Việc thị trường TPDN co cụm, nhưng chưa hoàn toàn thực sự lành mạnh và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, theo ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập FIDT, còn có thể tác động xấu đến câu chuyện nợ xấu khi các doanh nghiệp không thể huy động vốn để tiếp tục đảm bảo triển khai như kế hoạch, thậm chí doanh nghiệp có thể bị mất thanh toán, giá trị tài sản phải định giá lại. Do đó, việc xử lý tài sản đảm bảo của nợ xấu của khối ngân hàng thương mại (NHTM) cũng sẽ trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, cùng với những thông tin tiêu cực về thao túng giá chứng khoán, lo ngại về chính sách siết tín dụng nói chung và áp lực lạm phát gia tăng đã khiến thị trường vốn Việt Nam điều chỉnh rất mạnh.
Góp sức thúc đẩy và phát triển thị trường TPDN
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tiền tệ Quốc gia khẳng định: “Đã đến thời điểm chín muồi để chúng ta bàn sâu, rộng, đầy đủ, thực chất về các giải pháp góp sức thúc đẩy và phát triển thị trường TPDN”.
Mới đây, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đề xuất một loạt giải pháp ngắn hạn với Bộ Tài chính và giao cho các thành viên triển khai, cho thấy sự “phản ứng ngược” đang tác động rất lớn đến túi tiền lẫn niềm tin của các nhà đầu tư.
Trên thị trường TPDN, cái “được” khi những lỗ hổng của thị trường TPDN được bộc lộ là nhà đầu tư ý thức hơn với việc đánh giá rủi ro đối với trái phiếu. Nhưng cái “mất” là nếu không sớm có một thị trường TPDN đảm bảo cân bằng giữa rủi ro và lợi ích, thì sự tham gia đồng bộ của các bên có thể bị sứt mẻ. Những phiên bản của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020 cũng tăng thêm sự nóng lòng của cả phía chủ thể lẫn trái chủ muốn tham gia thị trường trong nay mai.
Theo chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, thị trường TPDN tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn, lòng tin của nhà đầu tư bị dao động vì những vụ việc xảy ra gần đây. “Mặc dầu chưa rơi vào khủng hoảng, nhưng những vụ việc xảy ra chứng tỏ thị trường cần một sự chấn chỉnh và cải cách mạnh mẽ. Cũng như tại thị trường Mỹ trong cuộc đại suy thoái năm 2008, người thiệt hại nhất là người dân với tiền tích luỹ được đầu tư vào những trái phiếu với lợi tức cao nhưng đầy rủi ro”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Nhiều ý kiến hiện nay lo ngại việc siết chặt của các cơ quan quản lý sẽ làm mất đi khả năng phát triển của thị trường, nhưng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Sự kiểm soát thị trường một cách hiệu quả sẽ là tiền đề cho sụ phát triển bền vững trong tương lai. Dĩ nhiên sẽ tạo ra những khó khăn cho thi trường, nhưng sẽ tạo lại niềm tin cho thị trường và có lẽ cũng là cái giá phải trả để có môt thị trường đi vào quy củ và ổn định.
Nhìn bài học từ thị trường Mỹ đã từng trải qua, theo TS Hiếu, Việt Nam cũng cần nâng cao khả năng kiểm soát và quyền lực cho các cơ quan quản lý thị trường, tiền tệ, kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện các nghĩa vụ quản lý và kiểm soát thị trường.
"Về xếp hạng tín nhiệm, Đạo luật Dodd-Frank của Mỹ đã dành nguyên một chương về xếp hạng tín nhiệm, nên nghiên cứu những điều khoản trong chương này để có thể áp dụng cho Việt Nam, đặc biệt cần quan tâm đến Nghị định số 88/2014/NĐ-CP quy định về xếp hạng tín nhiệm ban hành năm 2014 cần bổ sung nhiều điều khoản, như: Quy định việc các công ty xếp hạng tín nhiệm phải giải trình các phương pháp xếp hạng tín nhiệm sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế; thống nhất các ký hiệu cho các hạng mức tín nhiệm như AAA, BBB, CCC. Tương tự như Mỹ, các hạng mức tín nhiệm có thể chia thành 2 nhóm: Đầu tư và Không đầu tư để các nhà đầu tư nhận đinh ngay mức độ rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp", ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Theo đó, Việt Nam cần thành lập riêng một Văn phòng trực thuộc Bộ Tài chính về xếp hạng tín nhiệm, để giám sát hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm đang hoạt động, để kiểm soát việc tuân thủ các quy định về xếp hạng tín nhiệm, việc áp dụng các phương pháp xếp hạng tín nhiệm, và cuối cùng là kiểm soát các trường hợp xung đột lợi ích giữa các thành viên của công ty xếp hạng và trái phiếu được xếp hạng.
Hay như Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ ban hành năm 2020 cũng cần bổ sung, một số điều như: Các nhà phát hành phải nêu rõ mục đích sử dụng vốn và đưa ra một công cụ để các nhà đầu tư theo dõi việc sử dụng vốn (chẳng hạn một lộ trình dùng vốn để thực hiện một dự án đầu tư, với những cột mốc thời gian nhất định và các báo cáo tiến độ thực hiện trong từng quý, từng năm); làm rõ các phương pháp trả nợ và lãi và tính lãi suất cố đinh hay thả nổi và thả nổi dựa vào các chỉ số nào; bản cáo bạch cũng phải nêu rõ những cam kết tài chính, chẳng hạn các tỷ lệ tài chính, thanh khoản, đòn bẩy tài chính mà nhà phát hành phải tuân thủ; khi nhà phát hành vi phạm những cam kết này thì nhà đầu tư có chế tài ra sao?
PGS TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính:
Việc chấn chỉnh cả về luật pháp và cơ chế thực hiện thanh kiểm tra, giám sát là điều rất cần thiết để thị trường TPDN có thể trở thành một kênh huy động vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế. Kênh TPDN phải được định hướng là kênh dẫn vốn quan trọng theo đúng định hướng của Chính phủ và giảm áp lực cung ứng vốn cho hệ thống ngân hàng.
Hiện có rất nhiều nhà đầu tư có nhận thức chưa đầy đủ và thiếu hiểu biết về thị trường, nên cần thiết phải có một bên thứ 3 đứng ra, giúp các nhà đầu tư phân tích được tình hình tài chính doanh nghiệp, phân tích được rủi ro và lợi nhuận. Chính cơ quan xếp hạng tín nhiệm làm việc này là tốt nhất, bởi vì xếp hạng tín nhiệm hoàn toàn khác với kiểm toán, kiểm toán là chỉ kiểm trong một thời điểm nhất định, còn xếp hạng tín nhiệm sẽ phải làm liên tục trong cả một quá trình. Sự so sánh, đối chiếu và khuyến nghị mà cơ quan xếp hạng đưa ra sẽ tương đối sát với tình hình thực tế của doanh nghiệp, giúp các nhà đầu tư có được cái nhìn tổng thể về doanh nghiệp phát hành trái phiếu, lịch sử tài chính,... hỗ trợ việc đầu tư chuẩn xác hơn.