“Thực tế nhiều năm qua, quan điểm của NHNN là kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như: BĐS, trái phiếu, chứng khoán, trong đó gồm một số phân khúc BĐS cao cấp, resort, nghỉ dưỡng. Còn các dự án BĐS nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, đều là những sản phẩm cần thiết và vẫn được NHNN khuyến khích cho vay”, ông Đào Minh Tú cho biết. Tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực nhà ở phục vụ nhu cầu của người dân vẫn phát triển khá nhanh.
Theo Phó Thống đốc NHNN, cơ quan quản lý vừa qua có kiểm soát hoạt động cho vay BĐS, nhưng chỉ diễn ra ở một số ngân hàng thương mại. Từ nay tới cuối năm, NHNN sẽ có đợt kiểm tra, rà soát hoạt động cho vay vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro ở nhóm ngân hàng cỡ vừa và nhỏ.
Thống kê của NHNN cho hay: Trong những tháng đầu năm, tín dụng rót vào BĐS không biến động nhiều, chiếm gần 20% tổng dư nợ. Con số này được nhận định ở mức độ phù hợp so với giai đoạn trước (tăng 28%). Quan điểm của NHNN là kiểm soát tín dụng ngân hàng để dòng vốn chảy vào hoạt động sản xuất, những lĩnh vực ưu tiên khôi phục nền kinh tế. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong cả năm 2022, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
"Việc cho vay vốn mua BĐS, các ngân hàng chỉ loại trừ những dự án không đảm bảo pháp lý, kiểu "xí chỗ", có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua. Với dự án đảm bảo pháp lý, bán được hàng, ngân hàng vẫn cho vay”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết.
Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc một số ngân hàng siết chặt dòng tín dụng vào BĐS chỉ là một trong những nhân tố có thể giúp kìm hãm độ nóng của thị trường, kiểm soát những nhà đầu cơ hoặc những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tín dụng lớn. Tuy nhiên, vẫn còn những nguồn vốn khác đổ vào BĐS. Do vậy, việc siết tín dụng BĐS chỉ góp phần hạ nhiệt thị trường, không thể giải quyết tận gốc “sốt đất”; đồng thời, giúp thanh lọc thị trường, giúp thị trường minh bạch, công khai, phát triển bền vững hơn.
Một số ý kiến của chuyên gia tài chính cho rằng: Cần phải kiểm tra, giám sát đối với thị trường BĐS để đảm bảo thực thi đúng những quy định của Nhà nước và dòng vốn phát huy được hiệu quả cao nhất để vừa đảm bảo vốn phát triển bất động sản, nhưng cũng vừa đảm bảo vốn phát triển nền sản xuất nói chung, đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất phù hợp với tăng trưởng bền vững của đất nước.
Để giải quyết được tận gốc cơn sốt BĐS chủ yếu phải quản lý về giá, làm sao để việc mua bán diễn ra công khai, minh bạch. Do đó, PGS TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ mong muốn, việc mua bán BĐS nói riêng và các tài sản lớn nói chung cần phải thực hiện qua tài khoản ngân hàng; cơ quan quản lý Nhà nước cần xác định giá cho các loại BĐS sát thực với thị trường, hạn chế tình trạng giá áp thuế khác giá thực và “cò mồi, thổi giá”.
Theo NHNN, đến tháng 5, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 7,66% so với cuối năm 2021, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng đồng đều ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, những lĩnh vực du lịch, khách sạn… ghi nhận tăng trưởng mạnh trên 8%, cao hơn mức tăng trưởng chung như: Vận tải, du lịch, dịch vụ, vận tải (tăng 8,25%; công nghiệp phụ trợ tăng trên 7,6%...)