Theo Phó Thống đốc NHNN, gói hỗ trợ 2% lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã giảm chi phí vốn, khôi phục nhanh hơn vì vay lãi suất 6 - 7% thì nay được giảm 2%. Đây là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng NSNN có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của NHNN.
Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là một giải pháp bổ sung và thời gian tới sẽ song hành cùng với các giải pháp mà ngành ngân hàng đã, đang và sẽ triển khai (bao gồm cả chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội - NHCSXH).
“NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành, tăng cường thanh tra, giám sát, phối hợp các Bộ ngành, chính quyền địa phương để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đạt hiệu quả. Nghị định 31 đã quy định rất rõ các cơ chế giám sát, thể hiện trách nhiệm cao của ngành ngân hàng để đảm bảo gói hỗ trợ lãi suất 2% được tới đúng đối tượng, minh bạch rõ ràng, không để trục lợi chính sách. Nếu không đúng đối tượng ưu đãi, NHNN sẽ thu hồi lại”, ông Đào Minh Tú cho biết.
Về việc triển khai chính sách, bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Khách hàng được giảm trừ trực tiếp lãi suất đối với kỳ trả nợ lãi từ ngày 20/5/2022 đến hết ngày 31/12/2023, hoặc đến khi gói tín dụng hỗ trợ 40.000 tỷ đồng đã sử dụng hết. Tất nhiên chỉ hỗ trợ lãi suất cho khách hàng thuộc những lĩnh vực, ngành nghề gồm du lịch, vận tải, nông nghiệp, giáo dục…
Theo lãnh đạo NHNN, tính đến ngày 27/5, tín dụng tăng khoảng 7,75%, cao hơn gấp 2 lần so với cùng thời điểm năm 2021. Tín dụng tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực, nhất là những vực khó khăn như giao thông vận tải, dịch vụ… tăng 8%, nhanh hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước. Lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp phụ trợ cũng tăng cao, trên 7,6%, bằng mức tăng chung của cả nước. Điều này cho thấy dòng vốn tín dụng đã chảy vào những lĩnh vực cần thiết góp phần khôi phục nền kinh tế hết sức tích cực.
Theo Phó Tổng giám đốc Ngân hàng MB, bà Phạm Thị Trung Hà, đây là năm thứ 3, Chính phủ, NHNN cùng đồng hành với các doanh nghiệp, cá nhân vượt qua đại dịch. Năm 2022, MB đánh giá gói hỗ trợ lãi suất 2% là chương trình rất lớn của Chính phủ. Nhận thức về vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, kinh doanh và chỉ có ngành nghề nhất định mới được lựa chọn, ngân hàng MB sẽ đồng hành và thực hiện các nội dung của Nghị định 31 một cách thận trọng.
“Trong các nội dung của Nghị định 31, liên quan nhiều tới sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Xây dựng nên mong 3 bộ phối hợp chặt chẽ để trả lời kịp thời các thắc mắc của ngân hàng”, bà Phạm Thị Trung Hà cho biết.
Ngân hàng MB đang tập huấn chỉ đạo hệ thống, chi nhánh để triển khai Nghị định 31; sẽ xây dựng hệ thống mẫu biểu chứng từ, để đảm bảo thực hiện chương trình chặt chẽ, trọng điểm, giải đáp thắc mắc của khách hàng. Các NHTM mong tiếp tục nhận được chỉ đạo NHNN để thực hiện tổ chức chương trình này.
“Trước mắt, với những khách hàng đã có quan hệ tín dụng với ngân hàng, các cán bộ tín dụng của Agribank sẽ chủ động kết nối khách hàng, rà soát các đối tượng thuộc diện hỗ trợ”, Phó Tổng giám đốc Agribank, ông Phạm Toàn Vượng cho biết.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, điều kiện đầu tiên để các khách hàng có thể được thụ hưởng chương trình ưu đãi này phải có phương án kinh doanh khả thi. Mặc dù nhiều năm qua, Agribank đã thực hiện nhiều gói hỗ trợ lãi suất nhằm giúp doanh nghiệp, khách hàng cá nhân phục hồi kinh doanh, đảm bảo trả nợ đúng hẹn nhưng trong quá trình thực hiện, có nhiều phát sinh nên Agribank rất cần sự phối hợp, đồng hành của các cơ quan hữu quan.
Tại Hội nghị, đại diện các tổ chức tín dụng cũng khẳng định nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp rất lớn. Như Vietcombank, tín dụng 4 tháng đầu năm đã tăng trưởng 9%. Với chính sách này, dự kiến sẽ có thêm khoảng 1 triệu tỷ đồng được đưa ra nền kinh tế. Do đó, để có thể cho vay hỗ trợ lãi suất kịp thời cho khách hàng, Agribank, BIDV, Vietcombank… đều kiến nghị NHNN xem xét nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng.