Không siết nhưng cẩn trọng với tín dụng bất động sản

Trả lời báo chí ngày 2/6, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết: Hệ thống ngân hàng hiện không đặt vấn đề siết hay cấm tín dụng bất động sản (BĐS) nhưng luôn cảnh báo rủi ro. Nhiều ngân hàng cũng thận trọng với các khoản vay này.

Chú thích ảnh
TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam.

Có tới 70% tài sản bảo đảm các tổ chức tín dụng là bất động sản

Hiện có đến 70% tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng (TCTD) là bất động sản (BĐS). “Ngành kinh doanh BĐS đang rất khó khăn nhưng giá BĐS đã tăng gấp mấy lần so với trước và khi giá giảm mạnh, ai sẽ phải chịu rủi ro? Nếu cứ cho vay nhiều, đến khi không thể bán được, sẽ cực kỳ khó khăn nên phía ngân hàng cũng xem xét cho vay BĐS hết sức thận trọng”, đại diện VNBA nêu.

Không chỉ vậy, nếu thị trường BĐS “đóng băng”, không chỉ ảnh hưởng đến tín dụng BĐS mà còn ảnh hưởng đến các khoản nợ nói chung bởi lĩnh vực BĐS liên quan đến rất nhiều ngành nghề khác như: Điện, xi măng, sắt thép… Tổng Thư ký VNBA nhấn mạnh: Đây là ngành rất quan trọng nên phải có sự nhìn nhận đúng đắn, có sự quản lý phù hợp, không nên “siết” như giai đoạn 2009 - 2010 nhưng ngân hàng phải cảnh báo, rà soát...

Cũng theo lãnh đạo VNBA, thời gian tới, nếu qua rà soát các TCTD, cơ quan quản lý phát hiện có sự lập lờ giữa cho vay nhà ở với cho vay kinh doanh BĐS thì hệ số an toàn của TCTD sẽ sụt giảm rất lớn vì hệ số hệ số rủi ro với tín dụng kinh doanh BĐS ở mức rất cao, lên đến 200 - 250%. Hiện chính sách điều hành tín dụng của ngành Ngân hàng đối với lĩnh vực BĐS được đánh giá khá linh hoạt. Chính phủ và NHNN không đặt vấn đề siết hay cấm tín dụng BĐS nhưng luôn có cảnh báo.

Cần thiết kéo dài Nghị quyết 42

Đối với tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Nghị quyết 42 đã có tác động hết sức tích cực đối với hệ thống ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42 được ban hành vào tháng 8/2017 và đến tháng 8/2022 sẽ hết hiệu lực.

“Trong tổng số nợ xấu đã xử lý trong giai đoạn 2017 – 2021 là 750.000 tỷ đồng, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 khoảng 390.000 tỷ đồng, chiếm hơn 50%. Trong tổng số 750.000 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý trong giai đoạn này, có đến trên 600.000 tỷ đồng là các TCTD tự xử lý. Còn lại khoảng hơn 100.000 tỷ đồng do Công ty VAMC và khoảng 20.000 tỷ đồng do các tổ chức mua bán nợ khác xử lý”, lãnh đạo VNBA cho biết.

Trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Chính quyền các cấp từ các bộ, ban ngành đến các chính quyền địa phương đã hưởng ứng một cách tích cực, tạo thuận lợi cho ngành Ngân hàng thu hồi nợ, phát mại tài sản… Nghị quyết 42 cũng tác động lớn đến ý thức trả nợ của khách hàng, trách nhiệm của người đi vay đối với khoản nợ ngân hàng được nâng lên một cách rõ rệt. Tòa án cũng tiếp nhận xử lý hồ sơ một cách nhanh chóng, kịp thời đối với những bản án tranh chấp về dân sự. Đối với việc thu giữ tài sản bảo đảm cho các khoản vay, dù vẫn còn nhiều vướng mắc nhưng cũng đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều khoản vay đã được các tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản (VAMC) thu giữ và tiến hành phát mại thành công.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn một số vướng mắc, đó là: từ khi Nghị quyết 42 ban hành, tòa án được phép xử lý rút gọn nhưng lại không có bản án tiền lệ để thi hành do còn liên quan đến nhiều luật; việc thu giữ và chuyển nhượng tài sản rất khó khăn, đặc biệt là đối với những tài sản bảo đảm không phải là dự án; Nghị quyết 42 quy định thu giữ tài sản bảo đảm để trả nợ vay ngân hàng trước song vẫn phải trả thuế theo luật thuế. Có những trường hợp các TCTD phát mại nợ rồi, không thu đủ gốc nhưng vẫn phải nộp đủ thuế mới có thể sang tên tài sản. Ngoài ra, một số chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt trong việc bảo vệ người cho vay. Đặc biệt là ở các cấp phường xã, có khi chưa phổ cập Nghị quyết 42 đến hết các cấp cơ sở.

Đề cập về một số ý kiến cho rằng Nghị quyết 42 có lợi cho ngành Ngân hàng hay ngân hàng "lợi dụng "Nghị quyết 42? Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: “Không ngân hàng nào muốn kinh doanh mà để nợ xấu cả. Hiện nay có tình trạng là chủ nợ phải đi ‘nịnh’ con nợ để thu hồi tài sản bảo đảm. Điều này khó có thể chấp nhận được….”.

Trong 2 năm qua, ngành Ngân hàng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nợ xấu tiềm ẩn chưa đánh giá hết được. Số liệu thống kê tại Việt Nam cho thấy, hàng triệu tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song nợ cơ cấu chỉ vào khoảng 300.000 tỷ đồng. Số liệu này chưa phản ảnh được hết thực tế.

Hiện nhiều khách hàng vẫn rất khó khăn và tiềm ẩn nợ xấu. Khi thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN, những khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ để khách hàng được vay tiếp nếu có phương án kinh doanh hiệu quả. Ngân hàng đã miễn giảm lãi, cơ cấu lại nợ. Điều này này đặt ra câu hỏi, nếu Nghị quyết 42 hết hiệu lực thì liệu Ngân hàng có xử lý được nợ xấu hay không?

“Vì vậy, NHNN và Chính phủ kiến nghị lên Quốc hội tiếp tục xem xét, sửa đổi bổ sung và kéo dài Nghị quyết 42. Mong muốn của ngành ngân hàng là sửa đổi bổ sung để có hành lang pháp lý mạnh hơn”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết. Để xử lý nợ xấu thật sự đạt hiệu quả, rất cần các bộ, ngành cùng vào cuộc đánh giá, có kiến nghị bổ sung đối với những luật có nội dung liên quan đến Nghị quyết 42 hoặc ban hành một luật riêng về xử lý nợ xấu, mang tính đặc thù, xuyên suốt thì mới có đủ hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu.

Bài, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Doanh nghiệp ‘khát’ vốn, ngân hàng mong được nới thêm room tín dụng
Doanh nghiệp ‘khát’ vốn, ngân hàng mong được nới thêm room tín dụng

Sau hơn 2 năm COVID-19 hoành hành, nhu cầu vốn của nhiều doanh nghiệp giống như “cơn khát nước sau trận hạn hán” tăng lên nhanh. Với "room" tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ, nên nhiều ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nâng hạn mức tín dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN