Việc các nền kinh tế đang mở cửa trở lại, chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được đẩy nhanh và quỹ kích thích chung của Liên minh châu Âu (EU) được khởi động để “củng cố” chính sách tiền tệ siêu nới lỏng là các yếu tố minh chứng cho nhận định lạc quan nêu trên.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs dự đoán vào quý III/2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ tăng (ở mức hàng năm) 13%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tại Mỹ sẽ đạt đỉnh 10,5% trong quý II/2021.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc trong cả năm 2021 dự báo sẽ tiếp tục dẫn đầu. Kinh tế Mỹ dự báo sẽ tăng trưởng 6,4%, cao hơn so với mức dự báo tăng 4,4% của Eurozone. Tuy nhiên, đến năm 2022, Eurozone dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8%, cao hơn mức tăng 3,5% của Mỹ.
Cho dù nền kinh tế nào tăng trưởng nhanh hơn, thì việc ngày càng nhiều nền kinh tế dần hồi phục và lấy lại đà tăng là tín hiệu tốt. Các thị trường hiện đang theo dõi sát sao hành động và quan điểm của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) về bất kỳ sự bứt phá tăng trưởng nào.
Tuần trước, trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, thành viên Hội đồng thống đốc ECB Martins Kazaks nói rằng quyết định về việc giảm quy mô chương trình mua trái phiếu khẩn cấp sẽ được đưa ra vào tháng tới.