Khi các chương trình tiêm chủng quy mô lớn được triển khai, xuất hiện nhiều kỳ vọng rằng vaccine ngừa COVID-19 sẽ lật ngược tình thế, mở khóa nhu cầu bị dồn nén của người tiêu dùng. Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 thứ ba đang lây lan ở châu Âu và dường như đại dịch đang ngày càng khó kiểm soát hơn.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp của Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/3 kêu gọi khối này cần phải làm nhiều hơn nữa và mở rộng Quỹ phục hồi chung trị vốn đã có quy mô khổng lồ 750 tỷ euro (885 tỷ USD).
Vào tháng 9/2020, khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại sau đợt suy giảm tồi tệ do làn sóng dịch bệnh đầu tiên, có nhiều kỳ vọng vào khả năng kinh tế châu Âu sẽ đi vào quỹ đạo phục hồi vào giữa năm nay, đặc biệt là nhờ việc tiêm chủng vaccine. Chỉ một vài tuần trước, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde thậm chí còn nhấn mạnh một "sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động (kinh tế) trong nửa cuối năm".
Giờ đây, các nền kinh tế mạnh nhất của EU là Đức, Pháp và Italy đã tái áp dụng các biện pháp phong tỏa và chương trình phân phối vaccine ở châu Âu đang gặp khó khăn khi nguồn cung vaccine không đủ và sự phân chia không đồng đều giữa các thành viên.
Công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes ước tính EU hiện chậm bảy tuần so với mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng vào cuối mùa Hè, so với mức 5 tuần ghi nhận trong tháng Hai. Công ty này dự đoán sự chậm trễ sẽ khiến 27 quốc gia thành viên của khối thiệt hại khoảng 123 tỷ euro trong năm nay.
Theo Charlotte de Montpellier, nhà kinh tế của ngân hàng Hà Lan ING, nếu so sánh châu Âu với Mỹ, nơi mà triển vọng tích cực hơn rất nhiều, EU đang tụt hậu xa hơn trên tiến trình phục hồi, chủ yếu do làn sóng COVID-19 thứ ba. ING ước tính tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong năm nay chỉ đạt 3%, với kinh tế tăng trưởng mạnh từ quý III hoặc muộn hơn.
Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Âu của Capital Economics, cho biết ông không hy vọng kinh tế khu vực sẽ trở lại mức trước đại dịch trước thời điểm tháng 6/2022, tức là chậm hơn Mỹ một năm. Chuyên gia này cho hay, Capital Economics đang điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Eurozone do sự bùng phát các ca mắc mới, tốc độ tiêm phòng chậm và các đợt phong tỏa kéo dài.
Tuy nhiên, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S &P) vẫn quyết định giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Eurozone ở mức 4,2% cho năm 2021, viện dẫn yếu tố tích cực là tín dụng giá rẻ. Sylvain Broyer, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Âu của S&P, lý giải, nền kinh tế và người dân châu Âu đã thích ứng với các hạn chế và phong tỏa, do đó tác động của các biện pháp này phần nào được giảm bớt.