Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Nông thôn (Agribank) vừa công bố giảm lãi suất cho vay lần thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay. Trong đợt này, Agribank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng. Thời gian áp dụng từ ngày 15/5/2023 đến hết ngày 30/9/2023.
Uớc tính, sẽ có khoảng 2 triệu khách hàng được hỗ trợ với tổng số tiền được giảm theo chương trình này là hơn 1.000 tỷ đồng. Đối với tín dụng ngắn hạn, Agribank cũng đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất, mức thấp nhất chỉ từ 4,5%/năm tuỳ theo kỳ hạn vay và đối tượng vay vốn.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng triển khai giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 3 tháng từ 1/5/2023 đến hết 31/7/2023. Chương trình không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá, thấu chi…
Ước tính sẽ có hơn 600.000 tỷ đồng dư nợ của Vietcombank với khoảng 110.000 khách hàng được giảm tiếp lãi suất cho vay trong đợt này.
Còn với lãi suất huy động, một số ngân hàng vừa niêm yết biểu lãi suất mới với mức giảm từ 0,2-0,3%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và giảm từ 0,2-0,5%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Theo đó, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đã giảm 0,2%/năm so với cuối tuần trước, đưa mức lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng về còn 7,6%/năm. Với bước giảm lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 tuần, tính chung, MSB đã giảm lãi suất 0,5%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Không riêng MSB, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng vừa giảm 0,1%/năm lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng và giảm 0,2-0,5%/năm lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đưa mức lãi suất cao nhất về còn 7,9%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VPBank), lãi suất giảm đồng loạt 0,2%/năm với các kỳ hạn trên 12 tháng. Trong đó, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12-13 tháng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn 15-36 tháng còn 7,2%/năm.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) giảm tiếp 0,3%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn 6, 12 và 13 tháng. Hiện mức lãi suất cao nhất được HDBank áp dụng là 8,7%/năm tại kỳ hạn 13 tháng.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng có bước giảm sâu từ 0,4-1,2%/năm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại OCB hiện là 8,2%/năm.
Đà giảm lãi suất cũng ghi nhận tại các ngân hàng thương mại nhà nước "big 4". Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã giảm đồng loạt 0,3%/năm lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. Lãi suất niêm yết mới nhất tại các ngân hàng này đối với kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng giảm còn 4,6%/năm; từ 2 đến dưới 6 tháng còn 5,1%/năm.
Tại Vietcombank, lãi suất huy động của ngân hàng cho kỳ hạn 1-2 tháng còn 4,6%/năm, 3 tháng giảm từ 5,4%/năm còn 5,1%/năm, 6-9 tháng giảm từ 6,2 %/năm xuống còn 5,8%/năm. Lãi suất từ 12 tháng trở lên được duy trì ở mức 7,2%/năm.
Tại Agribank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng giảm từ 7,2%/năm xuống còn 7%/năm. Đồng thời, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng giảm 0,3%/năm đưa lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng về 4,9%/năm và kỳ hạn 3-5 tháng là 5,1%/năm.
Khác biệt hẳn với hồi đầu năm, tại thời điểm này để được hưởng lãi suất từ 9%/năm trở lên là rất hiếm, chỉ có Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) niêm yết 9%/năm với kỳ hạn 13 tháng và 9,2%/năm kỳ hạn 36 tháng.
Hiện đã có hơn một nửa số ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng xuống dưới mức 8%/năm.
Huy động lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng đang là ABBank với 8,8%/năm, tiếp đến đến là Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) 8,7%/năm, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) 8,5%/năm...
Với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất đang là 8,5%/năm áp dụng tại ABBank, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), VietABan; kế đến là Ngân hàng TMCP Quốc dân NCB với 8,4%/năm; Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Bao Viet Bank) và HDBank cùng mức 8,3%/năm..
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng đã giảm bình quân từ 1-1,2%; lãi suất cho vay bình quân trong cả hệ thống ngân hàng cũng giảm khoảng 0,5-0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước - là những ngân hàng chủ lực, có vai trò định hướng thị trường - mức giảm tích cực hơn, khi lãi suất huy động giảm từ 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5-2%.
Thống kê cũng chỉ ra rằng lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức từ 6,0-6,1%/năm (cộng tất cả các kỳ hạn chia bình quân); lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới ở mức khoảng 9-9,2%/năm.
Tại hội nghị “Giải pháp tín dụng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ” diễn ra mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất chậm lại, tình hình thanh khoản cải thiện, đánh giá tình hình thị trường tỷ giá, nếu như giảm được thì sẽ giảm các mức lãi suất điều hành. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất.