Lãi suất thấp, dư thừa thanh khoản
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong phiên ngày 29/6 đã giảm về còn 0,39%/năm, thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2022. So với mức trên dưới 4% ghi nhận hồi đầu tháng, chi phí vay qua đêm giữa các ngân hàng hiện chỉ bằng 1/10.
Dù lãi suất giảm sâu, khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao 230.000 - 240.000 tỷ đồng/phiên, cho thấy sự dồi dào về thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Với 4 lần giảm lãi suất kể từ giữa tháng 3, các loại lãi suất chính sách của NHNN đã giảm tổng cộng 1,5 - 2 điểm % và đã đảo ngược phần lớn mức tăng trong 2 lần điều chỉnh năm 2022 (tăng tổng cộng 2 điểm % mỗi loại lãi suất).
Trong đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm về mức tương đương giai đoạn từ tháng 10/2020 - tháng 9/2022. Trong khi lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn chỉ còn cao hơn 0,5 điểm % so với giai đoạn này.
Định hướng duy trì thanh khoản hệ thống dồi dào cũng được NHNN thực hiện một cách nhất quán khi cơ quan này vẫn chào thầu đều đặn trên kênh mua kỳ hạn (OMO) ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, không có bất kỳ thành viên nào cần đến gói hỗ trợ thanh khoản của NHNN trong suốt 4 tuần gần đây, dù lãi suất OMO đã giảm về còn 4%/năm.
Theo NHNN, điều này cho thấy, hiện thanh khoản các tổ chức tín dụng đều đang rất dồi dào, kể cả các NHTM Nhà nước, các NHTM cổ phần lớn, nhỏ. Không chỉ trên thị trường liên ngân hàng, sự dồi dào về thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng đã ngấm sâu sang thị trường một khi lãi suất huy động liên tục giảm rất mạnh trong những tháng gần đây.
Cụ thể, đầu tháng 7, lãi suất huy động cao nhất của cả 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank là 6,3%/năm, chỉ còn cao hơn khoảng 0,7 điểm % so với mức thấp kỷ lục ghi nhận vào hồi tháng 7, tháng 8/2022 - giai đoạn trước khi cuộc đua lãi suất tăng huy động xảy ra.
Bên nhóm các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động tại kỳ hạn 12 tháng cũng đã giảm 2 - 2,5 điểm % so với giai đoạn cao điểm hồi cuối tháng 1 và hiện chỉ nhỉnh hơn khoảng 0,8 - 1 điểm % so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù dư thừa thanh khoản, lãi suất thấp, nhưng cầu tín dụng rất thấp. Theo đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 15/6 mới chỉ đạt 3,36% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều cùng kỳ các năm trước. Với định hướng năm 2023 là tín dụng tăng 14 - 15% thì mức tăng trưởng hiện tại đang thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra của NHNN.
Theo số liệu mới nhất của NHNN, lãi suất cho vay VND bình quân đối với các khoản vay mới ở mức khoảng 8,9%/năm, giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022. Mới đây, loạt ngân hàng như Agribank, Vietcombank, BIDV, MSB, LPBank… cũng công bố thêm chương trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu và triển khai các gói tín dụng ưu đãi với quy mô lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Doanh nghiệp vẫn kêu khó vay vốn
Tại hội nghị “Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền Thành phố”, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) phối hợp với NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã nêu lên những bất cập, khó khăn liên quan đến tiếp cận vốn vay, nhất là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, đại diện Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour, cho biết: “Hiện nay, các công ty lữ hành là những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, để vay vốn mở rộng kinh doanh thì ngân hàng luôn yêu cầu có tài sản thế chấp. Chúng tôi mong muốn ngân hàng có cơ chế cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp lữ hành hoạt động kinh doanh uy tín và có lãi. Để hạn chế rủi ro cho ngân hàng khi cho vay tín chấp, doanh nghiệp sẵn sàng điều chuyển dòng tiền về cho ngân hàng”.
Tương tự, ông Lương Ngọc Trung, Giám đốc Công ty công nghệ Giải pháp công nghệ Con Voi cũng cho rằng, tất cả các ngân hàng đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp, nhưng mọi tài sản thế chấp của công ty đều đã nằm trong ngân hàng. Trong hoàn cảnh hiện tại, doanh nghiệp chỉ có thể chịu được mức lãi suất 10% - 12%/năm nhưng đó là lãi suất cho vay thế chấp, với vay tín chấp lãi suất sẽ còn cao hơn.
Về vấn đền này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện NHNN giao tính chủ động về quy chế cho vay tín chấp hoặc thế chấp cho các NHTM tự quyết định. Thực tế, điều kiện cho vay tín chấp khó khăn hơn rất nhiều so với điều kiện cho vay thế chấp. Bởi lẽ, khi cho vay tín chấp, tức ngân hàng phải có niềm tin tuyệt đối với doanh nghiệp. Ngân hàng phải xác định được đó là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, xếp hạng tín dụng tốt, báo cáo tài chính minh bạch.
Theo ông Lệnh, nhiều doanh nghiệp phản ánh đều mong muốn được vay tín chấp mà không có gì cả (không có tài sản thế chấp, không có báo cáo hoạt động kinh doanh). Để được vay tín chấp, doanh nghiệp cũng cần nâng cao trình độ quản lý, công khai, minh bạch sổ sách kế toán. Dựa trên cơ sở đó, NHTM mới có thể thẩm định, đánh giá xem doanh nghiệp hoạt động hiệu quả ra sao, kết quả kinh doanh thế nào để kiểm soát dòng tiền và quyết định cho vay.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính độc lập Đinh Thế Hiển, một vấn đề hiện nay là lãi suất giảm nhưng ai vay mới là quan trọng. Bởi lẽ, có doanh nghiệp sản xuất không vay được vốn nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp có hạn mức tín dụng lên đến trăm tỷ, ngân hàng mời vay người ta cũng không vay. Lý do họ là những doanh nghiệp sản xuất tốt, quản trị tốt; nếu không thì phải có tài sản đảm bảo được định giá tương ứng với khoản vay.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp cứ kêu lãi cao, muốn vay vốn nhưng toàn những dự án mà không biết hiệu quả đến đâu. Do đó, giảm lãi suất cho vay là một chuyện nhưng quan trọng hơn là phải trả lời câu hỏi "ai vay và vay để làm gì".
Các chuyên gia nhận định, bài toán nan giải hiện nay là làm sao cho dòng vốn tín dụng chảy vào đúng lĩnh vực sản xuất ưu tiên, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. “Hạ lãi suất thì tốt nhưng quan trọng hơn là đưa vốn. Chắc gì dòng vốn rẻ đã vào được các doanh nghiệp sản xuất như nhà nước mong muốn để kích thích tăng trưởng kinh tế mà nó lại chạy vào đầu tư tài chính hay đầu cơ bất động sản. Trong quá khứ, rất nhiều lần như vậy rồi. Nên quản lý dòng vốn, mục đích sử dụng vốn là rất quan trọng”, TS Đinh Thế Hiển lo ngại.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn thì cần nhiều giải pháp để tháo gỡ chứ không chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ.