Nhìn chung, trong phiên giao dịch ngày 7/9, lực bán tăng mạnh đã khiến thị trường liên tục giảm điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị tường đạt trên 1 tỷ cổ phiếu, tương đương tổng giá trị gần 24.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lớn do nhà đầu tư nước ngoài xả hàng với hơn 1 tỷ cổ phiếu được bán ra trong khi chỉ có hơn 500 triệu cổ phiếu được mua lại.
Tốp 10 cổ phiếu được giao dịch và giảm mạnh nhất, góp phần làm cho thị trường giảm hơn 16 điểm phải kể đến VCB, BID, GAS, VHM, VPB, CTG, MSN, TCB, HPG. Ở chiều ngược lại, chỉ duy nhất NVL là điểm sáng khi đóng góp cho thị trường tăng gần 1 điểm.
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường chứng khoán tháng 9 sẽ tiếp tục dao động trong biên độ hẹp do tác động đan xen cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. “Trong đó, rào cản lớn nhất của thị trường là Fed có cuộc họp vào giữa tháng và dự báo là tăng 75 điểm cơ bản, làm cho tâm lý thị trường thận trọng hơn”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam phân tích.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, việc Fed tăng lãi suất sẽ không tác động mạnh như trước nữa. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán trong tháng 9 sẽ có thể đi theo 2 kịch bản. Ở kịch bản thứ nhất, VN-Index sẽ hướng tới mốc 1.300 điểm với điều kiện vượt được mốc 1.285. Ở kịch bản thứ hai, VN-Index đánh mất mốc 1.260 và quay về tích lũy ở vùng 1.250 – 1.260 điểm. Dòng tiền có xu hướng phân hóa chứ không tăng đồng thuận trên toàn thị trường, quan trọng là nhóm ngành nào.
Trong khi đó, theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng Chiến lược CTCK KIS Việt Nam, áp lực bán ở 1.300 điểm trước kỳ nghỉ lễ 2/9 đã khiến xu hướng tăng chững lại. Khối lượng giao dịch có phần chững lại trước lễ do tâm lý nhà đầu tư thận trọng. Tuy vậy, xu hướng thị trường vẫn tích cực, nền tảng hồi phục kinh tế vẫn tốt là yếu tố hỗ trợ lớn đối với thị trường. VN-Index có thể giao dịch trong khoảng 1.300 – 1.400 điểm trong tháng 9.