Đề cập về Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/3 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết: Nghị định 08 được ban hành nhằm góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt về thanh khoản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cân đối nguồn tiền phục vụ sản xuất kinh doanh và thanh toán nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, đảm bảo quyền lợi cho trái chủ.
Theo Bộ Tài chính, trong những tháng gần đây, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có những diễn biến phức tạp, thị trường TPDN gặp khó khăn về thanh khoản và niềm tin của thị trường bị ảnh hưởng, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt để khôi phục niềm tin và giảm áp lực thanh khoản của thị trường TPDN.
Tại khoản 3 Điều 34 Nghị định 153/2020/NĐ-CP doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm: "Thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu".
Nghị định số 08/2023/NĐ-CP bổ sung quy định: Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc sau: Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan; đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó; phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết thêm: Bên cạnh các giải pháp chính sách tại Nghị định 08, để phát triển thị trường TPDN an toàn, lành mạnh và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, từng chủ thể tham gia trên thị trường tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu phải có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu; chủ động minh bạch thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp; có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư, để đảm bảo uy tín trên thị trường.
Theo đó, doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu; chủ động minh bạch thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính; công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu; có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư, để đảm bảo uy tín trên thị trường.
Về phía nhà đầu tư, cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu; đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành; phân biệt rõ sản phẩm TPDN với tiền gửi ngân hàng; đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Thị trường TPDN riêng lẻ đang rơi vào tình trạng “đóng băng” từ cuối năm 2022. Trong 5 năm trước đó, trung bình mỗi năm TPDN tăng khoảng từ 30 - 40%. Năm 2022, diễn biến gần như bị “đảo chiều” khi đầu năm xảy ra sai phạm của Tân Hoàng Minh, rồi đến cuối năm là sai phạm của Vạn Thịnh Phát, mặc dù đây chỉ là những vụ việc sai phạm riêng lẻ nhưng đã cộng hưởng gây ra mất niềm tin của nhà đầu tư đối với TPDN.
“Thời gian tới, sau khi áp dụng Nghị định 08, có thể nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu để đáo hạn, song thị trường có lấy lại niềm tin, nhà đầu tư có mặn mà và mua trái phiếu hay không lại là chuyện khác. Chưa kể là những quy định về thời hạn trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp dù được nới dài thêm theo quy định của Nghị định 08, song các nhà đầu tư có chấp nhận hay không vẫn là vấn đề còn phải bàn luận nhiều”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng băn khoăn: Các nhà đầu tư khi thấy nhà phát hành đang “lâm nguy” thì liệu rằng, cuộc đàm phán hoãn nợ có khả thi hay không? Nhất là trường hợp, số trái phiếu đến hạn trả nợ trong 2 năm tới lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng thì các nhà đầu tư khi thấy doanh nghiệp đang “ngấp nghé” ngưỡng cửa của phá sản thì rất khó để chấp nhận gia hạn.
“Tôi mạnh dạn đề nghị xa hơn nữa là Chính phủ nên nghiên cứu, ban hành một chương trình hoãn nợ quốc gia để hỗ trợ cho các nhà phát hành đến hạn trả nợ trong 1 - 2 năm tới. Nhưng chỉ áp dụng cho những nhà phát hành đã phát hành trái phiếu đúng quy định pháp luật, chứ không phải những nhà phát hành mang tính lừa đảo, mị dân, dùng chiêu trò để bán trái phiếu. Nếu nhà phát hành làm ăn bài bản thì nên giúp họ vực dậy, cho phép hoãn trả nợ trong vòng từ 1 - 2 năm”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.