Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa chấp nhận cho nhiều ngân hàng thương mại tăng vốn điều lệ thông qua các phương án phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…
Ngày 1/6, Ngân hàng Nhà nước có công văn gửi Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã: LPB) về việc chấp thuận cho ngân hàng này tăng vốn điều lệ từ 17.291 tỷ đồng lên mức 28.676 tỷ đồng thông qua nhiều phương án.
Theo đó, LPBank sẽ phát hành 328,5 triệu cổ phiếu có giá trị tối đa 3.285,3 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 19%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu cũ sẽ được nhận 19 cổ phiếu mới.
Hoặc, LPBank chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng với 5.000 tỷ đồng; và chào bán riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài với 3.000 tỷ đồng.
Cuối cùng, ngân hàng này dự tính phát hành 10 triệu cổ phiếu, khoảng 100 tỷ đồng theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Sau khi hoàn thành xong các phương án phát hành trên, LPBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm tổng cộng 11.5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 - 2024.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank; mã: SSB) cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 5.500 tỷ đồng. SeABank sẽ tăng vốn theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua vào tháng 4 vừa qua bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tối đa 2.952 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng cũng chuẩn bị phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tối đa 1.182 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP) của SeABank tối đa 420 tỷ đồng và chào bán cổ phiếu riêng lẻ tối đa 946 tỷ đồng. Như vậy, sau khi hoàn tất kế hoạch tăng vốn năm 2023, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng lên đến 25.903 tỷ đồng.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank; mã: TPB), cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 6.199 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu.
Trong vài năm trở lại đây, các ngân hàng thương mại đều lên kế hoạch tăng vốn với cách thức chủ yếu là chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ từ 10-50% và phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ. Nhưng không phải ngân hàng nào cũng tăng vốn thành công, có ngân hàng chỉ hoàn thành một phần kế hoạch.
Năm 2022, không có nhiều ngân hàng hoàn thành kế hoạch tăng vốn khi chỉ có 15 trong 27 ngân hàng tăng vốn điều lệ. Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, chỉ có Vietcombank tăng vốn điều lệ thêm 28%. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân bình quân tăng trưởng khoảng 21% (năm 2021 là 25%).
Năm 2023, phương án phát hành thêm sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến trên thị trường chứng khoán mà thị trường chứng khoán gần đây không mấy thuận lợi. Vì vậy, thách thức tăng vốn hiện nay với các ngân hàng là không nhỏ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số an toàn vốn và xếp hạng các ngân hàng. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thời gian tới là hết sức cần thiết giúp các ngân hàng phát triển lành mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng chống chịu trong một nền kinh tế đầy biến động.
Cùng với đó, việc tăng vốn cũng là nhiệm vụ thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Theo Đề án, đến năm 2025, nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng.