Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, qua tổng kết, đánh giá trong giai đoạn 2014-2020, đa số các tổ chức tín dụng đã nhận thức được nguy cơ rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động ngân hàng. Nhiều tổ chức tín dụng đã chủ động hợp tác, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng, ban hành các chính sách về môi trường, về cấp tín dụng xanh của tổ chức tín dụng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, đời sống của người dân.
Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững như cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc; ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; đồng thời đã xây dựng Chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh.
Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững.
Từ năm 2015, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều văn bản định hướng hoạt động ngân hàng vào lĩnh vực xanh, hạn chế dòng vốn vào những dự án có nguy cơ tác động xấu tới môi trường, thông qua việc Ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; ban hành Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường và xã hội đối với 15 ngành kinh tế làm tài liệu tham khảo hữu ích cho các tổ chức tín dụng phục vụ thẩm định và ra quyết định cấp tín dụng đối với khách hàng; tham gia mạng lưới ngân hàng bền vững để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về các chính sách phát triển bền vững trong hoạt động ngân hàng
Vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường. Đây là cơ sở pháp lý để Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Thông tư của Ngân hàng nhà nước dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022, cùng với thời điểm hiệu lực của Luật bảo vệ môi trường và có tính bắt buộc thực hiện đối với tất cả các tổ chức tín dụng. Nội dung quy định tại Thông tư là lĩnh vực mới, liên quan nhiều đến các yếu tố kỹ thuật về môi trường và có tác động lớn đến hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc IFC Khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia nhận định, tài chính xanh và bền vững là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để có đặt được mục tiêu của thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cũng như các mục tiêu về phát triển bền vững. Hệ thống ngân hàng sẽ là trọng tâm của quá trình phát triển bền vững và các hành động về biến đổi khí hậu.
Ngành tài chính - ngân hàng cần nhìn nhận tài chính bền vững là một hoạt động kinh doanh tốt và hiệu quả, một mặt tài chính bền vững sẽ giúp giảm thiểu rủi ro một cách mạnh mẽ, để học cách tính toán đến các tác động của biến đổi khí hậu và cạn kiệt về tài nguyên đối với lợi nhuận dài hạn của danh mục đầu tư và cho vay của ngân hàng.
Ông Kyle Kelhofer cũng chia sẻ kinh nghiệm của IFC trong việc xây dựng các tiêu chuẩn về hoạt động để quản lý bền vững về môi trường và xã hội trong các khoản đầu tư của IFC vào các thị trường mới nổi. Những tiêu chuẩn này là một khuôn khổ quản lý rủi ro mạnh mẽ và được áp dụng rộng rãi và cũng thay đổi cách thức nhìn nhận của ngành ngân hàng đối với rủi ro phi tài chính và phân bổ tài chính trên các thị trường mới nổi.
IFC cũng đề nghị tất cả các khách hàng, đặc biệt khách hàng là ngân hàng để có thể thiết lập được hệ thống quản lý môi trường và xã hội bao gồm các thủ tục cam kết quản lý, phân định vai trò và trách nhiệm cũng như các hướng dẫn mà một tổ chức sẽ cần tuân thủ để rà soát và quản lý các vấn đề về môi trường - xã hội cũng như các rủi ro liên quan đến các khoản đầu tư đó.