Cân đối đảm bảo nguồn lực hỗ trợ quá trình phục hồi
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Năm 2022, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước; cân đối đảm bảo nguồn lực hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Cùng với việc tổ chức thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí theo các văn bản đã ban hành từ cuối năm 2021, có hiệu lực thi hành năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời có những điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trước diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng nhanh từ cuối tháng 2/2022, gây áp lực lên lạm phát, tăng chi phí hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn.
Theo Bộ Tài chính, dự kiến thực hiện các giải pháp trên sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn năm 2022 khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, số tiền gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm khoảng 98,5 nghìn tỷ đồng.
Tính đến ngày 15/12, Bộ Tài chính đã miễn, giảm, giãn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, gồm: số tiền gia hạn khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng (số thuế gia hạn đã nộp NSNN khoảng 76,33 nghìn tỷ đồng); số tiền miễn, giảm khoảng 87,5 nghìn tỷ đồng.
Với việc triển khai có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế, kết hợp với tăng cường công tác quản lý thu, đã tác động tích cực đến kết quả thu NSNN năm 2022.
Tính đến ngày 15/12, thu NSNN đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với đánh giá thực hiện cả năm đã Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10, 11/2022). Trong đó, thu ngân sách Trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán. Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục phấn đấu thu NSNN đạt ở mức cao hơn.
Bội chi, nợ công trong tầm kiểm soát
Để đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung 6.840 tỷ đồng thực hiện Chương trình từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021. Đồng thời, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; kiên quyết cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình. Tổng hợp số cắt giảm của các bộ, cơ quan trung ương được khoảng 533 tỷ đồng.
Ước tính năm 2022, bội chi NSNN (bao gồm Chương trình phục hồi) thực hiện phấn đấu khoảng 4% GDP. Dự kiến đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 43 - 44% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 40 - 41% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 40 - 41% GDP.
Nhiều tổ chức nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam
Năm 2022, Việt Nam tiếp tục được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, “triển vọng ổn định”. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, “triển vọng ổn định”.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội; tổ chức điều hành chi NSNN năm 2023 chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN, nợ của chính quyền địa phương, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
“Hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế kiểm tra giám sát đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm dự toán thu NSNN”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Dự toán NSNN năm 2023 Dự toán thu NSNN là 1.620,7 nghìn tỷ đồng. Dự toán chi NSNN là 2.076,2 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN (bao gồm cả phần cho Chương trình phục hồi) khoảng 4,42% GDP.