“Làm tốt việc tạo thuận lợi, doanh nghiệp mới hoạt động hiệu quả, từ đó kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, đồng nghĩa nguồn thu ngân sách của ngành Hải quan triển khai tốt, đạt và vượt chỉ tiêu phấn đấu”, ông Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh.
Bên cạnh việc nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, Tổng cục Hải quan đã tích cực triển khai các giải pháp cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Thời gian thông quan trung bình đối với hàng nhập khẩu năm 2022 là 36 giờ 14 phút 32 giây, giảm gần 19 phút so với năm 2021. Thời gian thông quan trung bình đối với hàng xuất khẩu năm 2022 là 2 giờ 43 phút 9 giây, giảm hơn 17 phút so với năm 2021.
Đến nay, căn cứ kết quả tính toán sơ bộ các khoảng thời gian chính, tổng thời gian từ khi hàng hóa đến đến cảng/cửa khẩu đến khi hàng ra khỏi cảng/cửa khẩu năm 2022 là 127 giờ 13 phút 20 giây, giảm gần 7 giờ so với năm 2021. Thời gian thông quan trung bình của cả hàng nhập khẩu và xuất khẩu cũng đều giảm.
“Việc Tổng cục Hải quan triển khai đo, tổng hợp và công bố kết quả đo thời gian giải phóng hàng là căn cứ quan trọng để đánh giá thực trạng, tìm ra nguyên nhân và đưa ra những kiến nghị, đề xuất phối hợp với các cơ quan liên quan khắc phục tồn tại, bất cập, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa”, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Hải quan ngày 22/12, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết: Cơ quan hải quan đang sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy định về nghiệp vụ, thủ tục hải quan theo định hướng Hải quan số, tích hợp mô hình Hải quan thông minh. Tinh thần hoàn thiện của ngành Hải quan là tập trung vào cụ thể hóa, tích hợp nghiệp vụ và thay đổi tập trung quản lý doanh nghiệp theo quy mô, không đánh đồng.
Việc siết chặt triển khai các quy định về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng cũng sẽ được toàn ngành Hải quan tập trung thực hiện nghiêm ngặt, tránh xảy ra các vụ việc gian lận như đã bị xử lý thời gian vừa qua. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học trong cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin tổng thể của ngành Hải quan cũng sẽ được triển khai gấp rút. Hiện, Tổng cục Hải quan đã xây dựng các giải pháp hỗ trợ các yêu cầu quản lý Nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo hướng quản lý điều hành tập trung tại cơ quan hải quan.
Nổi bật năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt 750 tỷ USD, tăng 12,18%, tương ứng tăng 81,46 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu ngân sách Nhà nước của ngành Hải quan dự kiến đạt 440.000 tỷ đồng, hoàn thành 125% dự toán giao, đạt 104,76% chỉ tiêu phấn đấu. Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố có kết quả thu cao như: Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Quảng Nam, Cao Bằng, Đồng Tháp, Tây Ninh, An Giang, Cà Mau.
Nguyên nhân số thu NSNN năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021 được Tổng cục Hải quan đánh giá một phần là do dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường mới; giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao dẫn tới kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng khá mạnh.
Kim ngạch xuất nhập khẩu và số thu ngân sách tăng cao là những con số ấn tượng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và góp phần tạo nên điểm sáng kinh tế trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế thế giới và khu vực có dấu hiệu chậm lại.
Cũng theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, năm 2023, quy mô thủ đoạn của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại sẽ ngày càng tinh vi hơn, phức tạp hơn. Do đó, các đơn vị hải quan phải chủ động có giải pháp đấu tranh hiệu quả, xác định trọng điểm, phát huy lợi thế của các hệ thống cơ sở dữ liệu để phục vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá.