Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, để có được kết quả này là nhờ hiệu quả chính sách được phát huy. Cụ thể, khi cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp theo Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14 được ban hành và triển khai thực hiện, nhu cầu cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất từ doanh nghiệp liên tục tăng (qua đơn đề nghị hỗ trợ) và các doanh nghiệp được đáp ứng (qua giá trị nợ được hỗ trợ) cũng tăng tương ứng.
Mặt khác, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, kinh tế TP Hồ Chí Minh cùng cả nước phục hồi. Điều này đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển trở lại. Trong đó, các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá như xuất khẩu, chế biến lương thực thực phẩm, công nghiệp chế tạo, du lịch dịch vụ… Đây cũng là những ngành nghề giúp cho tín dụng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng tại TP Hồ Chí Minh tăng trưởng cao.
Cụ thể, nếu tháng 10/2021, dư nợ cơ cấu lại nợ đạt 159.198 tỷ đồng cho 566.443 khách hàng thì đến nay, dư nợ cơ cấu lại nợ giảm còn 94.760 tỷ đồng, giảm 27,66% so với tháng 10/2021.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, dư nợ cơ cấu lại nợ giảm chứng tỏ doanh nghiệp phục hồi, có dòng tiền và trả nợ vay ngân hàng. Đây là tín hiệu rất tích cực, phản ánh chủ trương đúng và hiệu quả chính của NHNN trong việc thực thi chính sách tiền tệ tín dụng và lãi suất để hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, nếu tháng 10/2021 dư nợ cho vay mới tại TP Hồ Chí Minh đạt hơn 398 ngàn tỷ đồng cho 342.514 khách hàng, đến nay đã đạt hơn 463 ngàn tỷ đồng, tăng 16,3%, với 694.739 khách hàng. Qua đó, hỗ trợ vốn kịp thời cho doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như các hoạt động thương mại dịch vụ và du lịch trên địa bàn Thành phố.
Đại diện của các ngân hàng cũng cho biết, để dòng tín dụng đi đúng hướng, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng của Chính phủ, thúc đẩy cho vay ngắn hạn bằng VND vào các lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay bình ổn thị trường, cho vay trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo đó, hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao 5 tháng đầu năm nay với mức tăng 27,1% so với cuối năm 2021.
Ngoài ra, tín dụng tăng cao còn có yếu tố nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay hỗ trợ lãi suất theo các chương trình cho vay kích cầu đầu tư theo chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của UBND TP Hồ Chí Minh và các chương trình tín dụng chính sách quốc gia.
Đại diện NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng, các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí, điều kiện kinh doanh, tạo động lực vay vốn sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, thời gian qua hệ thống các tổ chức tín dụng còn thực hiện việc miễn giảm lãi suất và kéo dài thời gian trả nợ cho khách hàng theo quy định của NHNN Việt Nam đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Dự báo tín dụng tại các ngân hàng TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới khi hệ thống ngân hàng thương mại triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã trong thời kỳ hậu COVID-19.