Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 22 điểm và dừng ở mốc 997 điểm; HNX-Index giảm hơn 6 điểm và dừng ở 204,5 điểm. Theo đó, toàn thị trường có hơn 700 mã giảm điểm với gần 150 mã giảm sàn và 179 mã tăng điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 872 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị gần 14.296 tỷ đồng.
Ba nhóm ngành giảm mạnh nhất là tài chính, bán lẻ và chứng khoán. Tốp 5 mã cổ phiếu giảm mạnh là NVL, VCB, BCM, MWG và ACB.
Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, việc chỉ số rơi xuống mốc 1.000 điểm làm cho triển vọng tương lai càng trở nên tiêu cực hơn. Vùng 1.000 - 1.050 điểm đã bị phá vỡ hoàn toàn nên trở thành kháng cự mạnh trong thời gian tới.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm đến 35% kể từ đầu năm, mức giảm khá mạnh so với thị trường tài chính chứng khoán trong khu vực và cả trên thế giới. Tuy nhiên, ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán AIS đánh giá, đây sẽ là cơ hội mở ra cho những nhà đầu tư tích luỹ cổ phiếu cho danh mục đầu tư trung và dài hạn.
Thời điểm hiện tại, ông Kiên cho rằng các chỉ số về định giá cơ bản hay xung lực giá cũng bắt đầu bước đến vùng định giá tương đối hợp lý. Song, những chuyển biến trong ngắn hạn vẫn cần có những sự thay đổi và cải thiện hơn. Do đó, thách thức trong ngắn hạn chính là thanh khoản thị trường và tâm lý nhà đầu tư đang duy trì thận trọng.
Bên cạnh đó, ông Kiên cũng cho rằng trong giai đoạn thị trường giá xuống hay nhà đầu tư còn gọi là thị trường "con gấu", áp lực giải chấp sẽ gia tăng. Hiện áp lực giải chấp đã không còn nhiều, với điều kiện chỉ số thị trường giữ vững mốc hỗ trợ quan trọng là 1.000 điểm và 980 điểm.
Xét trên góc độ tích cực, kết quả kinh doanh quý 3 của hầu hết các doanh nghiệp đều cao hơn so với mức bình quân 3 quý gần đây và cao hơn so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, mức độ phản ánh chỉ mang tính ngắn hạn. Nhà đầu tư cần đánh giá những bức tranh tổng thể và dài hạn hơn, bao gồm cả quý 4 sắp tới và cả năm 2023 để có chiến lược đầu tư dài hạn.