Chốt phiên, VN-Index tăng 14,56 điểm, lên hơn 1.039 điểm; HNX-Index tăng 2,13 điểm, lên hơn 207 điểm. Toàn sàn có 479 mã tăng, trong đó có 28 mã tăng trần và 166 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch trong phiên sáng đạt 259,54 triệu cổ phiếu, thanh khoản thấp với tổng giá trị gần 3.990 tỷ đồng.
Trong phiên này, hầu hết các nhóm ngành đều tăng, dẫn đầu là nhóm chứng khoán, bất động sản, bán lẻ, tài chính, ngân hàng… Trong đó, lực kéo mạnh nhất đến từ các mã VHM, VCB, CTG, BID, VPB, MSN, VRE, MBB, HPG, NVL… đóng góp cho thị trường gần 8 điểm. Tuy nhiên, đáng chú ý là sắc tím lan tỏa chủ yếu đến từ nhóm ngành bất động sản như NVL, DIG, PDR, HQC, SCR, LDG, VHD, HPX…
Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán - tài chính, nguyên nhân diễn biến giá của các cổ phiếu bất động sản trong phiên sáng 6/3 tăng mạnh do tâm lý của các nhà đầu tư hưng phấn ngay sau khi Chính phủ Việt Nam công bố Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/03/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm "Thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu".
Ngoài nội dung quy định như trên, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP bổ sung quy định: Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác…
Trong đó, Nghị định này cũng hiện thực hóa những đề xuất trước đó, chẳng hạn doanh nghiệp có thể thanh toán nợ trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, tạm ngưng quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp và đáng chú ý nhất là có thể kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa 2 năm.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng kỳ vọng Nghị định mới sẽ giúp các nhà phát triển bất động sản cảm thấy “dễ thở” hơn về thanh khoản, mặc dù những thông tin từ Nghị định này chưa có gì mới hơn so với những đồn đoán trước đó và việc triển khai các quy định này cần có thời gian để đánh giá. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán, nơi vốn vận hành theo kỳ vọng, đã chạy trước khi xuất hiện kết quả thực tế.
Đây cũng chính là điểm tích cực giúp thị trường chứng khoán phiên đầu tuần ngày 6/3 có điều chỉnh tăng, khi trong thời gian qua, thị trường luôn lình xình đi ngang và giảm mạnh trước nhiều áp lực đè nặng lên thị trường. Có thể thấy, chỉ trong vòng năm phiên, kể từ ngày 21/2, chỉ số VN-Index đã rớt từ đỉnh cao 1.095 điểm xuống mức thấp nhất ở 1.017 điểm, tức giảm 78 điểm, tương đương 7,2%.
Đáng lưu ý, nếu như đà phục hồi ấn tượng kéo dài từ giữa tháng 11 năm ngoái có sự đóng góp không nhỏ từ lực mua ròng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài cũng như là lực đỡ quan trọng, giai đoạn thị trường điều chỉnh khoảng nửa đầu tháng 2, thì trong những phiên vừa qua nhóm này đã bán ròng trở lại, cho thấy sự đồng thuận về thị trường đã không còn được duy trì.
Thống kê cho thấy tính, từ ngày 15/2 đến 27/2, khối ngoại đã bán ròng chín phiên liên tiếp, riêng trên sàn HOSE, tổng giá trị bán ròng lên tới hơn 2.500 tỉ đồng, trong đó cao nhất là vào phiên ngày 23/2 với giá trị bán ròng 278 tỉ đồng và phiên 27/2 với giá trị bán ròng hơn 658 tỉ đồng.
Sức ép này có thể đến từ thị trường chứng khoán toàn cầu đang điều chỉnh khá mạnh, rõ ràng và đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong nước. Chỉ số Dow Jones của Mỹ đã giảm 4,2% kể từ giữa tháng 2 đến nay, trước lo ngại lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ còn kéo dài, khiến đồng đô la Mỹ quay trở lại với xu hướng đi lên trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm của Mỹ cũng tăng mạnh lên mức cao nhất trong ba tháng rưỡi qua.
Một số dự báo cho rằng, thị trường có thể còn giằng co ít nhất đến tháng 3, khi kết quả cuộc họp chính sách của Fed đã rõ ràng hơn để xác nhận lộ trình chính sách của cơ quan này trong thời gian tới. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn không có gì chắc chắn, khi mà gần đây, những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước một lần nữa lại trở thành tâm điểm.
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) gần đây, có 54 doanh nghiệp công bố thông tin với nội dung chậm trả gốc, lãi trái phiếu trong giai đoạn từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023. Đáng lưu ý, trong đó có cả những doanh nghiệp lớn đang niêm yết trên thị trường chứng khoán như: Novaland, Hải Phát, Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Đầu tư LGD, Danh Khôi, Hưng Thịnh, Xuất nhập khẩu An Giang, VKC Holdings…
Với những thông tin về việc các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu đến hạn lớn nhưng có thể không thu xếp được dòng tiền để thanh toán, nhà đầu tư lo lắng và ảnh hưởng lan tỏa tiêu cực đến thị trường cổ phiếu là tất yếu.
Bên cạnh đó, việc các cơ quan quản lý tiếp tục mạnh tay xử lý các sai phạm tại các doanh nghiệp niêm yết, những hành vi thao túng thị trường cũng khiến dòng tiền thận trọng hơn. Mới đây nhất, khi mở rộng điều tra vụ án “Cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (HOSE: TTB), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành khởi tố bị can đối với bốn cá nhân thuộc doanh nghiệp này. Trong đó, có cả chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc và kế toán trưởng công ty.
Chính vì vậy, thông tin Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 5/3 như “cơn mưa” giải khát tâm lí của nhà đầu tư, giúp thị trường chứng khoán có phiên giao dịch thăng hoa và nhiều cảm xúc.
Dù vậy, dưới góc nhìn của các công ty chứng khoán, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và áp lực bán có thể diễn ra trong tuần này. CTCK Tân Việt (TVSI) nhận định, thị trường chỉ đang trong nhịp hồi phục và xu hướng chính vẫn là giảm điểm khi điểm số theo khung tuần đang thấp dần. Theo đó, nhà đầu tư không cần phải vội bán mà nên bán vào các phiên phục hồi khi thanh khoản các phiên giảm vẫn thấp hơn mức bình quân giao dịch. Việc giảm điểm với thanh khoản thấp thường sẽ có các nhịp phục hồi kiểm tra lại ngưỡng giảm trước đó.
Còn theo CTCK Bảo Việt (BVS), trong bối cảnh thanh khoản vẫn ở mức thấp, thị trường có thể sẽ cần thêm một vài phiên tích lũy trước khi quay lại tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự gần 1.065 - 1.075 điểm. Nhà đầu tư cầm tiền mặt nói chung tiếp tục giữ vị thế quan sát thị trường trong tuần này. Đối với hoạt động trading, nhà đầu tư có thể xem xét mở vị mua trading ngắn khi VN-Index giảm về vùng hỗ trợ 1.000 - 1.018 điểm.
CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS) thì cho rằng, sau khi VN-Index rơi xuống dưới 1.050 điểm thì vùng giá này trở thành kháng cự ngắn hạn, thị trường cần thêm thời gian tích lũy lại. Thanh khoản thấp làm cho các chiến lược lướt sóng ngắn hạn có mức rủi ro cao, nhà đầu tư nên chờ đợi cơ hội khi xu hướng thị trường trở nên rõ ràng hơn.
Đối với danh mục đầu tư trung dài hạn, nhà đầu tư nên quan tâm các nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh ổn định như ngân hàng, hoặc nhóm cổ phiếu "đầu tư công" như vật liệu xây dựng và xây dựng hạ tầng đang hưởng lợi từ chi tiêu ngân sách năm 2023.