Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank thông tin tại Hội nghị triển khai công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2022 diễn ra sáng nay 10/1 tại Hà Nội.
Theo đó, mặc dù tiếp tục đối mặt với những diễn biến bất thường của môi trường kinh tế - xã hội, Vietcombank đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu huy động vốn theo đúng định hướng.
Cụ thể, năm 2021, huy động vốn thị trường I (từ cá nhân và tổ chức) đạt khoảng 1.154 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2020. Dư nợ tín dụng đạt khoảng 963,6 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2020. Nợ xấu duy trì ở mức 0,63%, thấp nhất trong số các tổ chức tín dụng có quy mô lớn.
Đáng chú ý, Vietcombank đã trích lập đủ dự phòng rủi ro cho nợ cơ cấu trước 2 năm so với quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tỷ lệ dư quỹ dự phòng bao nợ xấu đạt mức cao kỷ lục là 424%.
Năm 2021, Vietcombank tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình chịu tác động của dịch COVID-19 thông qua các gói hỗ trợ lãi suất, giảm phí và giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu dư nợ hiện hữu. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất năm 2021 đạt 7.100 tỷ đồng (tăng hơn 2 lần so với hỗ trợ trong năm 2020). Tổng số tiền lãi lũy kế hỗ trợ khách hàng năm 2020-2021 là 10.800 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong những ngày cuối cùng của năm 2021, Vietcombank công bố miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên kênh ngân hàng số VCB Digibank kể từ ngày 1/1/2022 nhằm đồng hành, sẻ chia và hỗ trợ khách hàng một cách thiết thực.
Năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12%; tín dụng tăng 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.