Tín dụng sẽ tăng trưởng chậm lại
Các ngân hàng thương mại vào tuần trước đã được Ngân hàng Nhà nước nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2022. Theo đó, Sacombank được cấp thêm room tín dụng năm nay là 4%, Agribank 3,5%, HDBank 3,4%, MB 3,2%, OCB 3,1%, VIB 3%, Vietcombank và Techcombank cùng được cấp thêm 2,7%, TPBank 1,2%. Một số ngân hàng khác cũng được nới room nhưng ở mức thấp hơn.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trong năm nay. Nhìn lại lịch sử những năm trước, Ngân hàng Nhà nước thường có 1- 2 đợt nới room trong năm, sau khi đã giao mức trần cho từng đơn vị vào đầu năm.
Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 26/8, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,91% so với cuối năm 2021. Như vậy, với kế hoạch tăng trưởng toàn ngành ngân hàng giữ nguyên ở 14% cho năm nay, dư địa tăng trưởng tín dụng vẫn còn 5% trong 4 tháng cuối năm.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), dưới áp lực lạm phát trong nước gia tăng và đồng VND mất giá trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới nâng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%.
Với mức tăng trưởng 14%, ước tính chỉ còn 500 nghìn tỷ đồng sẽ được giải ngân vào nửa cuối năm 2022. Như vậy, tín dụng nửa cuối năm 2022 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với 6 tháng đầu năm nay.
Theo cuộc điều tra của Vụ Dự báo Thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong nửa cuối năm nay, đầu tư vận tải kho bãi; kinh doanh xuất nhập khẩu; mua nhà để ở và công nghiệp chế biến chế tạo là 4 lĩnh vực có số lượng tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu tín dụng tăng nhiều nhất.
Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định, tăng trưởng tín dụng cho cả năm vẫn có thể đạt 14%. Trong nửa đầu năm, sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu trên thế giới là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát nội địa tăng bất thường hơn là tăng trưởng tiêu thụ nội địa.
Vì vậy, việc hạn chế tăng tín dụng không hẳn là biện pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, nhưng “bơm” thêm tiền vào nền kinh tế sẽ làm tình hình trở nên khó kiểm soát hơn.
Do các cơ quan quản lý đưa ràng buộc chặt chẽ về tăng trưởng tín dụng cũng như ổn định hoạt động ngành, đa phần các ngân hàng đã hạn chế đà tăng từ cuối quý II/2022.
Hầu hết các ngân hàng có mức tăng trưởng vượt trội so với mặt bằng chung dựa trên các yếu tố như bộ đệm vốn tốt, danh mục tín dụng đa dạng và hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước trong việc giúp các tổ chức tín dụng yếu kém.
Trong dài hạn, Mirae Asset (Việt Nam) kỳ vọng các ngân hàng có bộ đệm vốn tốt, lợi nhuận tăng trưởng bền vững, sở hữu danh mục tín dụng không có quá nhiều rủi ro tập trung sẽ được nhận hạn mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn.
Theo PHS, kết thúc nửa đầu năm, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán: SSB) là ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao nhất toàn ngành, đạt 15,2%, theo sau là Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank, mã chứng khoán: HDB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB, mã chứng khoán MBB) với mức tăng lần lượt là 14,8% và 14,6%.
Hơn nữa, những ngân hàng như Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã chứng khoán: CTG), Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán VPB)… có mức tăng vượt bậc so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong nửa cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp room tín dụng cho các ngân hàng trên các tiêu chí: Chấm điểm theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thực hiện chủ trương điều hành của Chính phủ như giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém.
Theo Báo cáo phát hành hồi tháng 8/2022, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) cho biết, nới room tín dụng là chuyện sớm muộn. Dù diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng nhưng nới room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng kịp thời đạt được kế hoạch kinh doanh trong năm nay. Mức tăng trưởng mục tiêu toàn ngành không đổi ở khoảng 14% - 15% là căn cứ cho tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình 30% cho cả năm 2022.
Bài toán cân đối huy động và cho vay
Trái ngược với tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tiền gửi chỉ đạt hơn 4,5% trong nửa đầu năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng là gần 9,4%.
Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có động thái rút ròng khoảng 111 nghìn tỷ qua kênh Nghiệp vụ thị trường mở (OMO). Vì vậy, nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi.
Mức tăng lãi suất cũng khá phân hóa giữa các nhóm ngân hàng dao động từ 0,1% - 0,5% điểm phần trăm trong giai đoạn cuối quý II/2022.
Mirae Asset (Việt Nam) kỳ vọng tiền gửi phục hồi từ động lực lãi suất hấp dẫn. Thực tế, các rủi ro gia tăng như áp lực lạm phát và tăng lãi suất điều hành của các nền kinh tế lớn, dẫn đến rủi ro mất giá của đồng nội địa, các ngân hàng đang điều chỉnh tăng lãi suất để thu hút dòng tiền tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn.
Vì vậy, các đợt điều chỉnh lãi suất sắp tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi. Công ty chứng khoán này cũng cho rằng, giai đoạn tiền rẻ đã gần kết thúc.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) cho rằng, huy động tăng chậm ở nhiều ngân hàng là động thái chủ động để cân đối chi phí so với room tín dụng bị hạn chế của nhiều nhà băng. Sự chủ động cân đối tín dụng và huy động sẽ giúp mặt bằng Biên lãi ròng (NIM) đi ngang trong nửa cuối năm.
Công ty chứng khoán này nhận định, sẽ khó xảy ra việc đua lãi suất huy động để đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Theo quy định, từ tháng 10/2022, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ phải tiếp tục giảm từ 37% hiện nay xuống 34%. Thực tế, hầu hết các ngân hàng trong hệ thống đã đưa tỷ lệ này về ngưỡng an toàn tại thời điểm cuối quý II năm nay.
Tuy nhiên về mặt dài hạn, cân đối huy động và cho vay vẫn là bài toán lớn cho ngân hàng khi cho vay hiện nay vẫn tập trung vào phân khúc bất động sản và các khoản vay dài hạn trong khi tiền gửi tập trung ở kỳ hạn ngắn là đặc tính riêng tại thị trường Việt Nam.
Công ty chứng khoán này cũng cho rằng, lợi ích từ gói hỗ trợ lãi suất 2% còn chưa rõ ràng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số dư nợ giải ngân đến giữa tháng 8 theo chương trình này là hơn 4.100 tỷ đồng, tương ứng lãi suất hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng; trong đó, theo chia sẻ từ BIDV, số dư nợ giải ngân của ngân hàng là khoảng 3.800 tỷ đồng vào hồi đầu tháng 8.
Bên cạnh câu chuyện chung của ngành, nhiều ngân hàng sở hữu những câu chuyện riêng lẻ như VPBank với thu nhập bất thường từ bảo hiểm đã giúp lợi nhuận nhà băng này bứt phá. Hay như với HDBank, Vietcombank, MB có thông tin sẽ nhận được ưu đãi về chính sách nhờ việc tham gia vào tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Nhìn xa hơn thì thị trường chứng khoán bất lợi đã đẩy lùi kế hoạch phát hành riêng lẻ của nhiều ngân hàng. Tuy nhiên, áp lực tăng vốn sẽ đẩy mạnh lộ trình tăng vốn của các ngân hàng. Một số ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điển hình như BIDV, VPBank, LienVietPostBank và OCB.
Theo kế hoạch được các ngân hàng công bố, dự kiến trong năm 2022 có 22 ngân hàng thực hiện tăng vốn điều lệ, với tổng giá trị tăng thêm khoảng 154.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) cho biết, lợi nhuận trung bình toàn nhóm ngân hàng niêm yết tăng trưởng 32% trong nửa đầu năm. Nền thấp quý III năm ngoái có thể sẽ tạo tiền đề tăng trưởng tốt trong năm nay với nhiều ngân hàng.
Do vậy, bất chấp một số lực cản, lợi nhuận trước thuế trung bình các ngân hàng có thể vẫn tăng từ 25% - 30% trong nửa cuối năm nay, Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) nhận định.
Trong nửa cuối năm, vẫn còn một số câu chuyện tăng vốn tạo sóng tăng ngắn hạn của các cổ phiếu ngành ngân hàng như; VPB, OCB, MBB, HDB... Một số ngân hàng có kế hoạch phát hành riêng lẻ như :VPB, BID, LPB, OCB, chuyên gia từ Guotai Junan (Việt Nam) cho hay.