Ba Vì - nỗi nhớ ngày xanh

Mùa hoa dã quỳ năm nay ở Ba Vì rất đẹp. Những bông hoa nhỏ bé khiêm nhường, bình dị nhưng khi đứng bên nhau thì tạo nên những tấm thảm vàng rực chạy dài trên các sườn núi, dọc những con đường lượn trong mây. Từ dưới chân núi nhìn lên, cứ ngỡ như những mảng nắng trời gửi về từ một miền cổ tích xa xôi còn vương lại.

Đối với tôi, những vệt nắng ấy thì lại như gieo xuống từ những ngày xanh của riêng tôi ngót nửa thế kỷ trước. Như một sự sắp đặt tình cờ của số phận, vùng đất Ba Vì gắn bó với tôi từ những ngày đầu cầm bút theo nghề báo.

Mùa xuân 1970, tôi bắt đầu cuộc đời làm báo khi chưa tròn 18 tuổi bằng chuyến đi đầu tiên lên xã Vật Lại, dưới chân Ba Vì, cách bến đò Trung Hà không xa. Vừa mới ra trường, tôi theo chị Huỳnh Thị Hường, Trưởng phân xã và mấy anh chị em cùng lớp về thành lập phân xã VNTTX tại Hà Tây. Thu xếp chỗ ở và nơi làm việc ở nơi sơ tán được vài hôm, chị Hường nói với tôi:

- Em lên Vật Lại nhé! Mùa xuân năm ngoái, Bác Hồ đã lên đấy trồng cây. Sau khi Bác mất, bà con ở Vật Lại đã xây dựng "Đồi cây Bác Hồ" để kỷ niệm Tết trồng cây cuối cùng của Bác!

Sáng hôm sau, tôi buộc túi chăn màn, quần áo vào sau chiếc xe phượng hoàng nam cũ kỹ, đạp xe lên Ba Vì. Ngoài tiền bạc, giấy tờ, tôi không quên mang những chiếc tem gạo loại 250g (tiêu chuẩn cho mỗi bữa ăn), thứ không thể thiếu khi đi công tác ngày ấy. Tôi lên huyện uỷ Ba Vì nắm tình hình, rồi về Vật Lại.

Tôi thăm đồi cây, gặp gỡ, hỏi chuyện các bác nông dân đang chăm sóc đồi cây cũng như thăm các nơi trong xã. Tôi cảm nhận được tình cảm thật sự của người dân ở đây với Bác Hồ qua những câu chuyện kể. Năm ấy toàn xã Vật Lại cũng như huyện Ba Vì có phong trào "Trồng cây nhớ Bác". Chuyến công tác đầu tiên khá suôn sẻ, duy chỉ có điều tôi cảm nhận được khi tiếp xúc: Không ít cán bộ và cả người dân khi gặp gỡ, trao đổi như còn băn khoăn: Người phóng viên này còn trẻ quá! Nhưng mọi chuyện cũng qua đi. Từ Vật Lại, làm việc xong, tôi đạp xe thẳng về nơi phân xã sơ tán ở Hoài Đức.

Ngay tối hôm ấy, trong ánh đèn dầu, tôi viết bài "Đồi cây nhớ Bác". Sáng hôm sau, tôi nộp bài cho trưởng phân xã. Chị Huỳnh Thị Hường đọc, chỉ chữa qua vài câu rồi cho gửi về tổng xã. Chị chỉ nói rất gọn: Được đấy em! Cảm giác mừng vui khi nghe nhận xét ấy đến giờ tôi vẫn không quên.

Đến nay, gần nửa thế kỷ đã qua, tôi vẫn nhớ đoạn mở đầu của bài báo đầu tiên còn mang giọng văn học trò ấy của tôi: "Mùa xuân về trên đất Vật Lại. Theo những cánh chim chao nghiêng là cả một màu xanh trùng điệp của thiên nhiên nhiên thức dậy. Màu xanh ngọc bích của vòm trời. Màu xanh rờn của những ô mạ mới. Trên "Đồi cây đón Bác", cây đa bác trồng cũng mang một màu xanh đằm thắm, dịu dàng...".

Sau chuyến công tác đầu tiên, không ít lần tôi trở lại Ba Vì trong các năm 70-71 trước khi lên đường vào mặt trận Quảng Trị. Đi viết về công trường thuỷ lợi ở Đồng Mô - Ngải Sơn, nông trường chăn nuôi bò của anh hùng Hồ Giáo; tìm hiểu và phản ánh những thử nghiệm đưa cây dâu lên đồi, phong trào tổ chức lại sản xuất trong các hợp tác xã nông nghiệp khi lên quy mô lớn...
Tôi đã có những ngày sống ở công trường đắp đê ở bến Trung Hà để viết về đội thuỷ lợi xã Tản Hồng khi đó chuẩn bị được phong danh hiệu đơn vị anh hùng. Mấy lần tôi đã theo bác Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Nông trường dâu Ba Trại lang thang trên các đồi dâu, chèo thuyền đánh cá trên hồ Suối Hai, nghe ông chia sẻ về khát vọng xây dựng vùng dâu tằm tơ ở nơi đây. Chuyến đi dài nhất ở Ba Vì ngày ấy là lần tôi đạp xe cả trăm cây số từ Hà Đông lên Sơn Tây, ngược Trung Hà rồi cứ theo bờ sông Đà qua Đá Chông lên tận Chẹ, nơi có công trường khai thác đá.

Tôi đi viết về anh Nguyễn Đăng Pho, một công nhân khoan mìn, phá đá rất giỏi ở công trường. Những ngày ở Chẹ, tôi đã theo người công nhân dáng vẻ rất lực lưỡng ấy và đồng đội của anh lên núi khoan, đặt mìn phá đá, những trải nghiệm chưa từng có. Một kỷ niệm không quên: Lần ấy trở về, do muốn tìm đường tắt từ Đá Chông về Sơn Tây, tôi đã lạc vào khu K9 được canh phòng rất cẩn mật. Sau này tôi mới biết là nơi cất giữ thi hài Hồ Chủ tịch. Rất may tôi có giấy tờ là phóng viên đi công tác nên không gặp rắc rối gì!

Ba Vì ngày nay đã khác xưa nhiều. Vùng đất linh thiêng của huyền thoại và cổ tích này đã trở thành một phần của thủ đô Hà Nội. Những khu nghỉ mát, vui chơi, sân golf... đã làm cho Ba Vi mang nhịp sống hiện đại. Như nhiều người, tôi đã không ít lần trở lại Ba Vì những năm gần đây và cảm nhận rất rõ sự thay đổi nơi đây.

Nhưng sẽ còn mãi trong tôi kỷ niệm về những ngày xanh ấy. Lần gần đây nhất, cùng các nhà báo Ngô Hà Thái, nhà nhiếp ảnh Phạm Tiến Dũng và đạo diễn Phạm Lộc, tôi có dịp dự ngày hội ở Làng Văn hóa các dân tộc cách chân núi Ba Vì không xa; về thăm khu K9 giờ đã mở cửa cho khách du lịch; thăm cầu Đồng Quan mới bắc ngang sông Đà tại khu vực Đá Chông...
Chúng tôi đã trèo qua hàng trăm bậc đá để lên đỉnh Vua, đỉnh cao nhất ở Ba Vì, nơi có đền thờ Bác Hồ và tháp Báo Thiên, thu vào tầm mắt một vùng đất bát ngát gần xa vốn gẩn gũi, thân thiết và đang có nhiều biến đổi. Vào thời khắc ấy, những hoài cảm trở về trong tôi khi nhớ lại những năm tháng và những kỷ niệm đã qua, như lời thơ tôi đã viết trong một lần "Trở lại Ba Vì":

Như thấy bóng mình ngày xanh ấy
Một sớm dạo chơi đỉnh núi này
Câu thơ viết ngang trời để ngỏ
Hồn hậu Ba Vì mây trắng bay

Trở lại nơi đây lúc xế chiều
Tóc bạc đường hoa nắng liêu xiêu
Đôi dòng thơ muộn hoàng hôn xuống
Núi cũng như người ngóng đợi nhau.


Trần Mai Hưởng
Khơi nguồn tiềm năng, phát triển du lịch Ba Vì
Khơi nguồn tiềm năng, phát triển du lịch Ba Vì

Nằm ở phía tây bắc của Hà Nội, Ba Vì được biết đến là mảnh đất có cảnh quan thiên nhiên đẹp, một hệ thống di tích dày đặc gắn với huyền thoại Tản Viên Sơn Thánh và là nơi giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Những năm qua, huyện Ba Vì thực hiện nhiều giải pháp khơi dậy tiềm năng, phát triển các loại hình du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN