Bạn tôi mời mọi người tới chơi sau khi tậu được căn nhà mới. Cả lũ bàn nhau xem nên tặng gia chủ thứ gì làm kỷ niệm. Sau một hồi tranh luận, cả nhóm quyết định tặng tranh ngựa làm quà.
“Mã đáo thành công” - bức tranh bát mã được chủ cửa hàng tư vấn “vừa đẹp, lại vừa phong thuỷ”, “tranh vẽ những chú ngựa khỏe mạnh, bền bỉ, dẻo dai, trung thành” “mang ý nghĩa tinh thần hàm chứa lời chúc gia chủ gặp nhiều may mắn, công thành danh toại trong cuộc sống cũng như sự nghiệp”. Thế là quyết, cả bọn hỉ hả lễ mễ ôm tranh đi.
Tôi cũng mê tranh vẽ, ảnh chụp những chú ngựa và luôn cho rằng những con ngựa phi như bay trên thảo nguyên bao la luôn là hình ảnh đẹp, hấp dẫn bậc nhất, cả trong phim lẫn thực tế. Những con ngựa dũng mãnh, phi nước đại trên con sông rộng hay trên bãi cát ở biển, bọt nước tung trắng xoá cũng đẹp vô cùng.
Trong các bộ phim cổ trang, phim về cuộc sống của những người du mục, hình ảnh các chú ngựa rất quen thuộc, làm nên phần hồn cho bộ phim. Hay ai mê truyện Kim Dung, cũng phải trầm trồ khi đọc những dòng ông miêu tả về ngựa “Hãn huyết bảo mã” trong “Anh hùng xạ điêu” như: ngày đi ngàn dặm, chạy nhanh như gió, mồ hôi đỏ như máu.
Nhưng quả thật để có thể chiêm ngưỡng thực tế những con ngựa không phải dễ dàng, dẫu chỉ là những con ngựa bình thường. Như tôi, chắc chỉ có lần thoáng nhìn thấy ngựa… trong công viên hoặc có lần đi công tác ở vùng cao, mà nhìn xa xa thôi, cưỡi thì càng chưa khi nào. Lần gần đây nhất đi Đà Lạt, sau khi thuê xe ngựa đi một vòng, tôi cũng nán lại, sán đến bên con ngựa, nhưng cũng chỉ rón rén sờ lên cái bờm của nó, rồi đứng giữa nắng để chụp… với nó một tấm ảnh làm kỷ niệm.
Ngay cả với Lễ hội đua ngựa ở Bắc Hà (Lào Cai), tôi cũng chưa được tận mắt chứng kiến, nhưng rất ấn tượng bởi sự độc đáo của nó. Lễ hội này, cách đây một năm (ngày 31/5/2021), đã chính thức được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Với tôi, đó là một cuộc đua đặc biệt, với những con người đặc biệt. Ngày thường, họ là nông dân sinh ra và lớn lên từ bản làng, với ngựa thồ rong ruổi các cung đường vùng cao. Mùa lễ hội, cũng vẫn những bộ quần áo thường ngày ấy, họ bỗng thoắt biến thành những chàng “kỵ sĩ” trên đường đua, đúng vào mùa mận tam hoa chín.
Những “tay đua” đội mũ bảo hiểm, đi giày, có người đi dép, cưỡi ngựa không yên cương, không bàn đạp giữ chân. Chính sự không chuyên nghiệp này đã tạo sự độc đáo của lễ hội, hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Nhưng tôi luôn muốn tận dụng mọi cơ hội để có thể một lần được ngồi trên lưng ngựa. Tôi cứ hình dung mình cũng sẽ “oai phong lẫm liệt” hoặc đơn giản chỉ là cưỡi ngựa để chụp ảnh cũng được. Nhưng cho đến giờ, vẫn chưa có dịp nào được thử.
Lần rất lâu rồi, dễ đến gần hai mươi năm, trong một lần đi du lịch, khi đến một thác nước, thấy con ngựa vằn (chắc cũng chỉ to hơn con lừa tí chút) đứng ngoe nguẩy đuôi dưới chân thác, tôi không thể bỏ qua cơ hội. Cần phải trả một số tiền để được leo lên lưng nó (kèm theo cái mũ cao bồi được cho mượn), tất nhiên là tôi sẵn lòng. Lúc ấy đã cuối chiều, tôi kiên nhẫn đứng chờ đến lượt mình. Bỗng nhiên trời xám xịt, mây từ đâu lù lù kéo tới, rồi lác đác có mấy hạt mưa. Rồi mưa dày hạt hơn. Vị khách trên lưng chú ngựa (chắc cũng mê chụp ảnh như tôi) luống cuống tụt xuống.
Đột nhiên tôi thấy hình như trên thân thể chú ngựa có những vết lem màu đen chảy dài xuống, dính cả vào quần áo của vị khách. Sao lại thế? Rồi tôi chợt ngỡ ra, những vết vằn đen trên thân thể con ngựa là do người ta… vẽ vào. Một cảm giác thật khó diễn tả với tôi lúc ấy. Ôi con ngựa nhỏ bé, tội nghiệp, người ta tô vẽ để nó trở thành “ngựa vằn”?
Sự tô vẽ, trong những tình huống tréo ngoe thế này thật lố bịch, khiến người ta cảm thấy bị lừa dối. Tôi lặng lẽ quay đi, bao nhiêu mong ước được cưỡi ngựa tan biến, như bong bóng xà phòng tan trong cơn mưa bất chợt cuối chiều.