Không hiểu sao, tôi rất thích đi tàu. Cảm giác được phóng tầm mắt ra xa, nhìn những khoảng đồng rộng lướt qua loang loáng, hay nhìn thấy ánh sáng le lói từ phía nhà ai từ tít tắp trong đêm, thậm chí là nghe tiếng tàu bắt đầu xập xình lăn bánh cũng thấy nôn nao lạ.
Con tàu xuyên rừng, xuyên núi, xuyên cánh đồng, lúc nhìn thấy nhà cửa, lúc một mình thênh thang giữa đất trời, ngạo nghễ, hiên ngang và kiêu hãnh.
Lần đi tàu đầu tiên, đó là khi tôi năm tuổi, mẹ cho vào Đà Nẵng chơi ở nhà người họ hàng. Tàu rời ga thị xã lúc đêm xuống, sau cái háo hức ban đầu được đi chơi thì đứa trẻ là tôi lăn ra ngủ. Giờ tôi không nhớ gì ngoài việc ngồi ghế cứng và cảnh người trải chiếu nằm cả dưới sàn tàu.
Một thời khó khăn, tàu khách mà thể như một khu chợ, hàng hoá gồng gánh và gà vịt lẫn vào với người. Con người có thể mệt mỏi, nằm ngồi sao cũng được, nhưng phải bằng mọi cách giữ cho lũ gà vịt ấy không bị ngạt thở, và phải sống cho đến khi xuống tàu.
Lần thứ hai tôi đi tàu, ấy là khi sinh viên. Đó là một chuyến đi chơi miền Trung, mà sau này nghĩ lại, tôi vẫn cho rằng, đó là một cuộc trải nghiệm rất con trẻ của cuộc đời mình. Tuổi trẻ có thể làm mọi thứ, không cần suy nghĩ gì nhiều. Thơ ngây và vụng dại.
Nhưng đến lần thứ ba, khi bước chân lên tàu vào Nam, thì đó mới là cuộc trải nghiệm thực sự. Một cuộc thử thách cho chính mình, cho ngã rẽ mới, cuộc sống mới.
Đêm ấy, ga xép thưa người. Đèn sáng trưng trên những hàng ghế chỉ lác đác người đợi tàu từ Hà Nội về. Đêm tháng chín mùa thu nhưng trời vẫn rất oi. Trời đêm lác đác những vì sao nhỏ. Trăng đầu tháng hình lưỡi liềm, chừng mươi ngày nữa là tới rằm trung thu. Thảo nào chiều nay lũ trẻ trong xóm đã lục tục vót nan tre làm đèn ông sao.
Trước đây, tôi cũng rất thích tự tay làm những chiếc đèn ông sao, còn kỳ công phơi hạt bưởi cho se lại rồi bóc vỏ, xâu thành những chùm nhỏ. Đêm trung thu đem treo những dây hạt bưởi vào một đầu que rồi đốt. Ánh sáng bừng lên cộng với mùi thơm của tinh dầu bưởi khiến tôi mê mải. Đó là trò mà không đứa trẻ vùng quê nào không biết.
Mây đen đã bắt đầu kéo tới giăng ngang bầu trời, vài đám trôi qua che mờ ánh trăng. Gần tới giờ tàu chạy, cửa sau ga mở, loa nhà tàu rè rè vang lên thông báo tàu sắp vào ga. Mọi người lục tục đứng dậy với lỉnh kỉnh đồ đạc hướng về phía cửa soát vé.
Tàu về đêm ở ga nhỏ nên mọi thứ lặng lẽ. Ánh điện vàng vọt, những cái bóng đổ dài trên nền xi măng dẫn tới cửa các toa tàu.
Tôi đi nhanh về phía đầu tàu, vé ngồi mềm toa hành khách số ba. Cô nhân viên giơ cao chiếc đèn bão nhìn vào tấm vé tôi xoè ra, trên đó đã bấm hai lỗ tròn nhỏ lúc qua cửa soát vé. Bám tay vào thanh sắt, tôi bước lên. Ghế ngồi khu vực giữa toa tàu, sát cửa sổ. Tôi thích nhìn ra bên ngoài ngắm cảnh vật trên đường đi.
Tàu chỉ dừng ở ga xép chưa đầy mười phút rồi hú còi chuyển bánh. Tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray rồi xậm xịch, rập rình rời ga. Tôi tì tay sát cửa sổ nhìn xuống đường, đèn đêm hắt ra trên những ô cửa nhà ai ngủ muộn.
Ra khỏi thị xã, tàu tăng tốc dần. Ngày ấy vào Nam đi tàu phải mất gần hai ngày đêm, chứ không như bây giờ, đi tàu nhanh chừng hơn một ngày là tới. Trời bắt đầu mưa, những giọt nước xiên xéo, hắt vào cửa kính. Một lúc thì mờ nhoè, nước chảy thành dòng xuống thành tàu. Cơn mưa giải toả cơn oi bức của đêm thu.
Con tàu dần xa nơi tôi sinh ra và lớn lên. Ngoài Hà Nội và lần đi tàu vào miền Trung hồi sinh viên, tôi chưa từng đi xa thế này bao giờ. Ngày trước đi học, chừng một vài tháng tôi lại bắt xe khách về nhà. Bây giờ có thể nào mà như thế.
Chừng đã quá nửa đêm, tàu chạy chậm dần rồi dừng lại. Qua ô cửa sáng đèn, tôi thấy tàu đã ở ga Vinh. Trên sân ga các gian hàng sáng trưng. Những quầy hàng đặc sản miền Trung trưng biển rất to, nồi ngô luộc toả khói nghi ngút. Những túi trứng gà luộc, túi trái cây đã gọt, túi mía cắt khẩu đẹp mắt, tất cả được gói sẵn. Nhiều người nhoài người qua cửa sổ vẫy tay ra hiệu hoặc gọi ới lên là lập tức có người vừa đi vừa chạy đem tới.
Tôi tranh thủ xuống ga, hít thở khí trời. Len qua các hàng ghế, tôi rảo nhanh bước chân. Ngược dòng với mình, nhiều người đang lên tàu, ngó từng hàng ghế tìm con số ghi trên tấm vé.
Trời đã hết mưa, hơi ẩm bốc lên trong đêm khiến tôi hơi co người lại. Nhưng ngay sau đó, tôi lập tức thấy khoan khoái. Trời đêm sau mưa mát mẻ, thoảng mùi hoa sữa thơm nồng nàn. Thì ra, ngay sát cửa ga có một cây hoa sữa, từng chùm trắng bung căng hết cỡ.
Tôi ngạc nhiên khi bắt gặp loài hoa đặc trưng của Hà Nội ở nơi này. Khi ấy tôi cứ nghĩ, chỉ Hà Nội mới có hoa sữa. Sau mới biết, người ta trồng hoa sữa ở nhiều nơi, cả ở xứ nóng. Chỉ có điều, tôi cho rằng, hoa sữa phải ở xứ lạnh mới thi vị. Mùi hương nồng nàn trong đêm thu se lạnh mới thú, chứ nóng đổ mồ hôi mà ngử mùi hoa này thì còn gì là lãng mạn!?
Mùi hoa khiến tôi nhớ Hà Nội. Thời sinh viên tôi hay cùng lũ bạn lang thang phố Nguyễn Du, đạp xe vòng quanh hồ Thiền Quang, ngắm con phố đã đi vào thơ nhạc. Nhưng quê tôi, và cả Hà Nội giờ đã ở lại phía sau rồi.
Không có nhiều thời gian, tôi tới gian hàng gần nhất mua hai bắp ngô nóng hổi, thứ quà mà tôi rất thích. -Mua thêm gói bánh đa Đô Lương đi em, đặc sản Nghệ An đó, chị bán hàng phúc hậu mau mắn mời. -Bánh làm từ bột gạo, có tiêu, tỏi và các gia vị đặc trưng khác. Đó là sự khác biệt của bánh đa nơi đây đó em. Em nếm thử nhé? - chị bán hàng ngọt ngào.
Tôi chẳng kịp nếm thử miếng bánh chị bán hàng khéo mời chìa ra. Ừ thì mua ăn thử, mỗi vùng miền có những thứ quà riêng, đó cũng là trải nghiệm khi tới bất cứ vùng đất nào.
Tôi trả tiền rồi quay đầu chạy về phía toa tàu. Còi tàu đã hú dài giục những vị khách còn chần chừ trong sân ga. Tàu xập xình chuyển bánh. Loang loáng bên ngoài lướt qua phía sau nhà ga trong ánh đèn vàng xa dần. Tàu lại lao vào đêm tối vi vút gió lao xao như đi trong khu rừng.
Đèn trong khoang tàu đã tắt bớt, chỉ còn thứ ánh sáng dịu nhẹ ở đầu và cuối toa, đủ để hành khách có thể di chuyển ra khu vực vệ sinh và vòi nước. Từ lúc nào, nhân viên nhà ga đã xếp thêm những chiếc ghế nhựa sát khu vực vệ sinh. Đó là những cái ghế “tăng thêm thu nhập” cho nhân viên nhà tàu.
Mọi người đã vào giấc ngủ, một giấc ngủ chập chờn, lắc ngang theo con tàu. Còn tôi không thể nào ngủ được. Chuyến tàu đêm thu này sẽ đưa tôi tới một vùng đất mới để khởi nghiệp, với những trải nghiệp mới, có thể là trải nghiệm lớn nhất cuộc đời. Tôi đang nghĩ về ngày mai và những ngày sau, một mình ở nơi xa lắc, tôi có vững vàng mà vượt qua gian khó?