Con sông làm cho làng tôi thêm óng ánh khi chiều xuống. Con sông làm cho bờ bãi hai bên tốt tươi, con sông cho dòng nước ngọt, nhưng có mùa con sông cũng mang theo giận dữ, nước đục ngầu dâng cao tràn qua vườn, bò vào sân và mon men tới thềm nhà. Cả tuần con nước như đùa giỡn với cuộc sống và cả sinh mệnh con người. Khi nước rút để lại bùn lầy nhầy nhụa và cả những rác rưởi vướng vào bụi cây ngọn cỏ.
Từ trên đê, từ xa đã có thể nhìn thấy cổng nhà ông bà nội là hai hàng dừa cao vút. Qua cổng là hàng dâm bụt hoa đỏ rực cánh xoè to, nhuỵ vươn dài như chiếc râu mèo.
Đó là khi hoa đã nở bung ra, căng hết cỡ. Nhưng tôi khoái nhất là khi hoa mới chỉ chúm chím, cánh mỏng còn bọc khum khum như hình cái bút mực chưa mở nắp, tôi đã lén bà nội ngắt lấy, cắn cái cuống hoa rồi cho luôn vào miệng mút chùn chụt thứ nước ngọt ngọt mát mát. Không đứa trẻ nào ở thôn quê mà không biết thưởng thức món ngon đó của tự nhiên cây lá.
Nhưng khu vườn mới là thiên đường vui chơi của hai chị em tôi.
Vườn nhà là cả kỳ công của ông nội trong nhiều năm gánh đất ươm cây, xới xáo mỗi ngày. Ông nội là thầy giáo làng, người làng quen gọi là ông giáo Lâm.
Ông giáo Lâm người mực thước, hiền hậu, giỏi giang, rất mực yêu trò, thương mến bà con xóm làng nên được học trò và người làng nể trọng. Ngày ông mất, làng xóm và trò cũ về viếng dài hàng cây số. Người ta bảo, chưa khi nào thấy đám ma to vậy.
Ông mất rồi, nhưng khu vườn thì vẫn còn đây, vẹn nguyên như vẫn có bàn tay ông chăm sóc.
Đó là một khu vườn thơm nức hương hoa. Ông nội là người thích cây cối nên quanh nhà trồng đủ các loại cây. Vuông đất rộng trước nhà là vô vàn gốc hồng các loại. Hoa hồng vàng bông to cánh mỏng, hoa hồng trắng bông nhỏ nhưng thơm ngát, những bụi hồng phấn được nắng luôn nở hoa thơm dịu. Đẹp kiêu sa nhất là những khóm hồng nhung, bông ít nhưng cành vươn cao khoẻ khoắn, bông nở to đỏ rực, mỗi sáng ra sương còn đọng trên cánh như hạt kim cương đính trên tấm áo nhung mềm lấp lánh trong nắng sớm.
Điểm tô cho vườn hồng là những khóm nhài chi chít nụ, hôm trước còn chúm chím thế mà sáng ra đã nở bung trắng muốt thơm mát. Góc vườn là hàng cây bưởi, cứ sau Tết khoảng chừng tháng hai, tháng ba, khi mưa xuân lây rây là hoa nở trắng xoè ra từng chùm. Hương bưởi quyện vào trong gió, lan toả trong đêm, vấn vít ngập tràn không gian. Những hàng cây tóc tiên hoa nở hồng thắm như hàng rào bao lấy khu vườn. Lối ra sông là những hàng mía đều tăm tắp, được đánh luống gọn gàng.
Xung quanh nhà trồng rất nhiều ổi. Mùa hè đến, những cây ổi đào, ổi mỡ sai chĩu, quả chín không kịp hái rơi đầy gốc, lũ chim tha hồ chí choé tha mồi. Nhưng thường thì chúng "oánh chén" ngay từ lúc quả vừa chín vàng, còn treo lúc lỉu trên cây.
Tôi luôn nghĩ, không đâu đẹp bằng khu vườn nhà ông bà nội. Tôi nhớ những ngày dắt em đi trong khu vườn ngập tràn ánh nắng, thằng em nghịch ngợm hái nụ nhài nhét vào mũi. Khi hít thở, nụ nhài kéo lên trên khiến thằng bé không thở được. Tôi hét ầm chạy cuống cuồng gọi mẹ. Cả nhà được một phen hú hồn.
Lần khác, thằng bé không biết lấy đâu được đồng hai hào, cho vào miệng nhai rồi nuốt. Đồng xu mắc ngang cổ khiến nó bị nghẹn, mặt mũi từ đỏ lựng chuyển sang tím tái. Cả nhà cũng được một phen sợ chết khiếp. Bố đã dùng tay chẹn ngang cổ chỗ cái đồng xu, bảo nó cúi đầu sâu xuống rồi móc ra.
Hai chị em chơi chán trong vườn thì vòng lên đê, rẽ xuống con dốc nhỏ bên phải đi vào trạm xá. Giữa sân trạm xá có cây sấu cao ngang đầu người lớn, cành lá tốt tươi xoè tán mát rượi. Tôi rất thích ăn lá sấu. Thêm vài hạt muối trắng gói trong lá sấu non mà nhâm nhi thì tuyệt vời. Vị chua hoà với vị mằn mặn tạo một sự thích thú không hề nhẹ với tụi trẻ nhỏ. Có lần vừa vít cành bứt được lá nắm lá sấu thì bác Dậu phát hiện. Bác Dậu là y sĩ của xã, nhà ngay phía trước nhà ông bà nội tôi.
-Này, sao hai cháu lại hái lá cây thế?
Thằng em vứt biến mấy cái lá vừa hái, còn tôi thì mặt tái xanh, tay vẫn nắm chặt mấy lá xanh, đứng im không nói được lời nào. Chừng nhìn mặt nó thảm hại hay sao, mà bác Dậu mỉm cười:
-Lần này bác nhắc, không được hái nữa nghe chưa hai đứa.
Tôi lí nhí vâng ạ, rồi kéo thằng em chạy về.
Hai chị em lúc nào cũng như hình với bóng. Thằng em nghịch nhưng thông minh, nó hay bày trò để chơi. Hai chị em hay chơi trọi cỏ gà với một niềm say mê kỳ lạ.
Vườn nhà ông cỏ gà nhiều vô kể, chúng mọc lan chằng chịt thành thảm dày đặc trên lối ra bến sông. Loại cỏ này ưa nắng, càng nắng chúng càng mọc dày, lá xanh đậm
Lạ là, chúng có sức sống thật dẻo dai. Ngày nào mẹ tôi cũng xách nước từ dưới sông lên đổ vào bể, bước qua bước lại cả chục lần dẫm lên chúng mà những ngọn cỏ vẫn vươn dài khoẻ khoắn. Rễ bám chặt xuống nền đất để lấy sức mạnh. Sau này nó đọc một truyện, đại loại kể về người con trai trở thành anh hùng cứu giúp dân làng trước mọi kẻ thù. Chàng trai ấy có sức mạnh vô song bởi chàng luôn ôm ấp đất mẹ, dù cho có bị thương nặng đến mấy, chỉ cần dang tay ôm đất mẹ vào lòng, chàng trai lại hồi sinh thần kỳ. Cây cỏ gà kia chắc cũng vậy.
Hai chị em mồ hôi chảy ròng ròng, đứng giữa nắng mà chơi. Đứa này chìa ngọn cỏ gà ra, đứa kia dùng ngọn cỏ khác đánh vào. Chiến thắng thuộc về người mà phút cuối khi đối thủ không còn ngọn cỏ gà nào thì mình vẫn còn dù chỉ là ngọn cỏ với bông hoa nhỏ.
Chơi chán trò này hai chị em lò dò vào bếp, tìm củ khoai lang lùi vào rơm rồi châm lửa nướng. Khi khoai chín thơm lừng, con chị lấy que cời lôi ra, thằng em để sẵn tấm bìa cứng, rồi thì hí hoáy bóc ăn. Vừa ăn vừa thổi, khen ngon lấy ngon để. Chỉ có điều, ăn xong mặt đứa em và con chị đều nhọ nhem. Thằng em nhe răng ra cười con chị, con chị cũng nhe răng ra cười thằng em. Nhìn chúng như hai đứa đang đeo mặt nạ hun khói.
Giờ đây, chị em tôi đã là bố mẹ của những đứa con, mỗi khi nhớ những ngày tháng xưa cũ, không thể quên những ký ức diệu kỳ. Ký ức xanh trong ngọt ngào thơm mùi nắng.