Bà Hưng có 3 con trai và một con gái, cả đời bà luôn tần tảo lo cho con, dù cuộc sống nhiều khó khăn, chồng mất sớm, bà vẫn cố gắng nuôi các con ăn học nên người. Các con bà giờ đã có gia đình riêng cả. Người ngoài nhìn vào ai cũng khen bà sướng, con cái kinh tế khá giả, giờ đây bà đã có thể an nhàn mà hưởng thụ tuổi già.
Nếu bà khỏe mãi thì chẳng có gì để nói vì trước đây bà vẫn sống được một mình, còn các con thi thoảng về thăm mẹ. Dạo ấy bà còn khỏe, vẫn tự lo được cho mình, ngày ngày lấy việc chăm sóc mảnh vườn nhỏ như thú vui tuổi già. Nhưng 3 năm trước, bà Hưng bỗng bị tai biến phải nằm viện, lúc này người ta mới biết bà chẳng sung sướng gì. Các con trai của bà ở cách đó không xa nhưng các cô con dâu tị nạnh nhau, chỉ đến hỏi thăm mấy ngày đầu mà chẳng ai chịu đến chăm sóc bà, chỉ có Hương- cô con gái út ngày ngày đến chăm sóc, cơm cháo cho bà.
Ban đầu bà vẫn cố nghĩ rằng do các con quá bận rộn nên không thể quan tâm được mẹ nhiều, và tự an ủi mình lần sau chúng sẽ không như thế. Nhưng không ngờ từ sau lần đó, bà cứ ốm liên miên, bà yếu đi hẳn nhưng lúc nào cũng chỉ có cô con gái út lo lắng cho bà. Có lần bà phải mổ mắt, Dũng- con trai cả cũng chỉ đưa được bà đến bệnh viện rồi cũng bận nên gọi em gái tới và về luôn, mấy hôm bà nằm viện các con bà cũng chỉ đến cho bà tiền rồi cách vài hôm lại vào. Bà tủi thân bảo Hương gọi điện cho các anh xem thì nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Bọn con bận lắm, con đã đưa tiền cho cô Hương rồi, mẹ cứ thế mà chữa bệnh còn phải lo lắng gì nữa”. Bà tắt máy, nghe Dũng trả lời mà nước mắt bà chảy dài, cái bà cần là sự hỏi han, quan tâm của con cái chứ tiền thì tự bà cũng có thể lo cho mình.
Từ đó đến giờ, bao nhiêu lần bà ốm đau, ngoài Hương luôn cố gắng thu xếp về cạnh mẹ, chẳng thấy đứa nào gọi hỏi thăm, chăm nom, mà chỉ thấy đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Có hôm bà thử gọi các con về thì thằng cả nhờ thằng hai, thằng hai đùn thằng ba, cuối cùng chẳng có ai về. Những năm đau ốm gần đây, lại nhờ cậy họ hàng bên ngoại, chứ chẳng trông mong được gì ở con trai, con dâu. Hương biết thương mẹ nhưng cũng lấy chồng xa, không thể lúc nào cũng có mặt ngay được.
Có lần đông đủ các con bà về ăn giỗ bố, bà nói tuổi già ở một mình có nhiều thứ đáng lo thì Dũng cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện, chẳng thấy đứa nào lên tiếng đón bà về chăm sóc mà không biết thực ra bà rất muốn ở gần con cháu, vừa được gần gũi tình cảm, lại yên tâm lúc tuổi già nhưng dường như không được sự đón nhận của con cái.
Đau buồn và thất vọng nhất là lần bà Hưng bị đột quỵ. Cũng là hàng xóm phát hiện và đưa bà đi viện vì gọi cho các con bà ở gần mà chẳng ai nghe máy. Nằm trong viện một mình, bác sĩ hỏi sao không thấy người thân đến chăm nom, bà phải quay mặt vào trong, giấu nước mắt nói dối các con đi công tác xa, sợ chúng nó lo nên không thông báo. Bỗng bà cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết, cả đời nuôi con vất vả vậy mà giờ các con khôn lớn, lúc đau yếu lại chẳng biết kêu ai.
Gần đây suy nghĩ nhiều, bà Hưng suy sụp hẳn, bà yếu đi trông thấy. Lúc cảm thấy tình trạng sức khỏe của không tốt, bà mới nhờ bác sĩ gọi cho các con mới thấy chúng đến. Nhìn mẹ gầy guộc, nằm thở nhọc nhằn, các con bà mới giật mình, đã 2 ngày nay bà nằm viện mà chẳng có ai ở bên. Nhìn ánh mắt trách móc của những bệnh nhân nằm cạnh mẹ, Dũng cảm thấy xấu hổ, anh vội vàng lao về nhà lấy quần áo, đồ dùng cho mẹ.
Trong khi lúc tìm tủ quần áo của mẹ anh nhìn thấy một cuốn sổ tay nhỏ đã cũ kỹ, tò mò mở ra xem. Thì ra là cuốn sổ nhật ký, cả cuộc đời mẹ anh nằm hết trong cuốn sổ này; từ những ngày gia đình hạnh phúc, đến nỗi đau khi chồng bà mất đi, mọi lo toan, vất vả bà phải gánh vác. Cả những khi con ốm, bà một mình bế con đi vay mượn khắp nơi để lo chữa bệnh cho con. Bà ghi chi tiết nhưng đồng tiền gom góp được, những khoản phải chi tiêu, chạy vạy cho con ăn học nên người… Từ dòng, từng dòng chữ đã nhòe đi khi những giọt nước mắt của Dũng rơi xuống. Lớn lên rồi có gia đình, anh mải lo cho mình mà đã quên đi mất một người quan trọng nhất của cuộc đời mình, người đã hi sinh cả cuộc đời, chịu đắng cay đau khổ để có được sự vô tâm của anh như ngày hôm nay?
Dũng đọc đến những trang cuối, đã lâu rồi mẹ anh không viết gì vào đó. Trang cuối bà chỉ viết đã mãn nguyện nhìn thấy đàn con khôn lớn, đã hoàn thành lời hứa với chồng trước khi ông mất, những lúc quá cô đơn bà lại muốn nhanh nhanh cho qua cuộc đời này để bà được trở về gần ông. Chỉ còn chút tài sản cuối cùng là mảnh đất bà đang ở, bà muốn dành cho Dũng vì một phần muốn Dũng chăm lo hương khói sau này, một phần vì bà thương Dũng nhất, đứa con đầu lòng từ nhỏ đã hay đau yếu, lại phải sớm cùng mẹ tảo tần nuôi đàn em khi bố mất đi, không được học nhiều như các em…
Dũng lặng người, thì ra mẹ vẫn luôn thương anh, vẫn luôn lo nghĩ cho mình. Vậy mà anh vì mải lo cho cuộc sống riêng mà đã vô tâm quên mất những tình cảm ấy. Anh bỗng tỉnh ra, anh phải nhanh chóng chạy ngay đến viện vì mẹ chẳng còn được cạnh mình lâu nữa, những ngày cuối đời anh muốn mẹ phải thật vui vẻ, thật mãn nguyện.