Tại cuộc họp của các quan chức quân đội hàng đầu, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận thể hiện năng lực sẵn sàng chiến đấu của Không quân và một cuộc tập trận tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa vốn được lên kế hoạch diễn ra vào nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, một sĩ quan quân đội cho hay hai bên đã "tiến hành các cuộc tập trận phòng thủ tên lửa theo kịch bản chống các mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên để chia sẻ thông tin tình báo về các vụ phóng và phối hợp ứng phó", đồng thời nhấn mạnh rằng đây là một trong số các cuộc tập trận thường nhật giữa hai nước.
Theo quan chức này, cuộc tập trận nói trên nhằm mục đích cải thiện năng lực phối hợp tác chiến trên không cũng như năng lực của các lực lượng, trang thiết bị và những hoạt động liên quan, lưu ý rằng cuộc tập trận này không thể hiện Hàn Quốc sẽ sáp nhập vào hệ thống phòng thủ tên lửa lớn hơn của Mỹ.
Trong cuộc tập trận, hai bên được cho đã mô phỏng sự tích hợp các phương tiện phát hiện và đánh chặn tên lửa, như các tên lửa Patriot của Hàn Quốc và Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đặt tại Hàn Quốc.
Triều Tiên đã tăng cường năng lực tên lửa trong bối cảnh các cuộc đàm phán về tiến trình phi hạt nhân hóa với Mỹ bị đình trệ. Năm ngoái, Triều Tiên đã phô diễn một số loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, bao gồm phiên bản tên lửa Iskander của Nga.
Hàn Quốc và Mỹ thường tiến hành các cuộc diễn tập chung lớn 2 lần/năm. Tuy nhiên, hai nước đã phải trì hoãn tổ chức cuộc tập trận mùa xuân do dịch COVID-19 và tới nay cuộc tập trận này vẫn chưa được tiến hành.
Hiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang căng thẳng liên quan tới các hoạt động thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới liên Triều.
Ngày 5/6 vừa qua, Bộ Mặt trận thống nhất Triều Tiên (UFD) - cơ quan giải quyết các vấn đề liên Triều, tuyên bố sẽ xóa bỏ văn phòng liên lạc liên Triều tại thị trấn biên giới Kaesong nếu Seoul không ngăn chặn tình trạng thả tờ rơi có nội dung chống Bình Nhưỡng.
Tới ngày 9/6, Triều Tiên đã cắt đứt mọi kênh liên lạc với Hàn Quốc, song kênh liên lạc trực tiếp giữa Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (LHQ) với quân đội Triều Tiên được cho là vẫn hoạt động bình thường trong ngày này.
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, điện thoại liên lạc trực tiếp giữa Bộ Tư lệnh LHQ với quân đôi Triều Tiên được lắp đặt một đầu tại văn phòng trực ban của sĩ quan phía Bộ Tư lệnh LHQ ở làng đình chiến Panmunjom ở phía Hàn Quốc và một đầu tại tòa nhà Panmungak ở phía Triều Tiên. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của kênh liên lạc với Bộ Tư lệnh LHQ trong thời gian tới hay không. Phía Bộ Tư lệnh LHQ cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình trong một, hai ngày tới.
Năm 2013, Triều Tiên đã tuyên bố hủy Hiệp định Đình chiến trên Bán đảo Triều Tiên và đơn phương cắt đứt kênh liên lạc trực tiếp với Bộ Tư lệnh LHQ, đường dây chỉ mới được nối lại hồi tháng 7/2018 sau khi căng thẳng với Mỹ và Hàn Quốc phần nào được giải tỏa. Một số ý kiến nhận định do hiệp định đình chiến vẫn còn hiệu lực ràng buộc nên có thể Triều Tiên sẽ duy trì kênh liên lạc trực tiếp với Bộ Tư lệnh LHQ để duy trì hiệp định này.
Ủy ban Đình chiến thuộc Bộ Tư lệnh LHQ thường gọi điện thoại cho phía quân đội Triều Tiên 2 lần/ngày để kiểm tra đường truyền tín hiệu. Cơ quan này cho biết trong trường hợp kênh liên lạc trực tiếp bị cắt đứt, khi có nội dung cần thông báo với Triều Tiên, Bộ Tư lệnh LHQ sẽ sử dụng loa ở ranh giới quân sự liên Triều (MDL) trong Khu vực An ninh chung (JSA).