Một thông cáo từ Hạm đội 7 của Mỹ cho biết cuộc tập trận diễn ra từ ngày 16-26/10 nhằm tăng cường khả năng liên lạc, tác chiến chung và phối hợp tại khu vực hoạt động của hạm đội trên.
Binh sĩ Mỹ tham gia cuộc tập trận chung Hàn Quốc - Mỹ tại Pocheon, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 70km về phía đông bắc, ngày 19/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các đơn vị của Hải quân Mỹ tham gia cuộc tập trận bao gồm tàu sân bay USS Ronald Reagon và hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke mang tên USS Stethem và USS Mustin. Theo dự kiến, tàu USS Ronald Reagan sẽ hoạt động ở vùng biển phía Đông trong khi hai tàu khu trục kia sẽ được phái đến vùng biển phía Tây của Hàn Quốc trong thời gian diễn ra hoạt động tập trận.
Phía Hàn Quốc sẽ điều tàu Sejong Đại đế thuộc lớp Aegis, máy bay săn tàu ngầm P-3 Orion, máy bay chiến đấu loại F-15K, FA-18 và A-10 cùng với máy bay trực thăng loại Lynx và AW-159 tham gia tập trận. Phó Đô đốc Jung Jin-seop của Hải quân Hàn Quốc nêu rõ đây là cuộc tập trận chung thường kỳ giữa hai bên nhằm đối phó với "các mối đe dọa của Triều Tiên và tăng cường khả năng hoạt động chung của các lực lượng Hàn - Mỹ".
Trong khi đó, Hải quân Mỹ thông báo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Michigan có trang bị tên lửa dẫn đường đã tới cảng Busan ở miền Nam của Hàn Quốc trong chuyến thăm thường kỳ được lên kế hoạch từ trước. Đây là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của chiếc tàu này trong gần 6 tháng qua.
Được trang bị hơn 150 tên lửa chiến thuật Tomahawk có tầm bắn khoảng 2.000 km, tàu ngầm có trọng tải 18.000 tấn này là một trong những tàu ngầm lớn nhất trên thế giới. Chuẩn Đô đốc Brad Cooper, Tư lệnh các lực lượng Hải quân Mỹ tại Hàn Quốc, tuyên bố chuyến thăm lần này cho thấy quan hệ giữa hải quân hai nước đã được củng cố thêm một bước.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Hàn Quốc và Australia đã bày tỏ quan ngại về tình trạng căng thẳng đang leo thang trên Bán đảo Triều Tiên và nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc đối đầu hạt nhân hiện nay trong khu vực. Đây là cuộc tham vấn lần thứ ba được tổ chức hai năm một lần theo công thức này giữa Hàn Quốc và Australia.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc họp tham vấn theo công thức 2+2 giữa Ngoại trưởng Kang Kyung-wha và Bộ trưởng Quốc phòng Song Young-moo của Hàn Quốc với những người đồng cấp Julie Bishop và Marise Payne của Australia tại Seoul, bà Kang Kyung-wha nêu rõ: “Chúng tôi chia sẻ quan ngại sâu sắc rằng các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên đã lên tới mức độ chưa từng có sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu vừa qua. Đặc biệt, chúng tôi mạnh mẽ lên án Triều Tiên công nhiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha (trái) và Ngoại trưởng Australia Julie Bishop trong cuộc họp tại Seoul, Hàn Quốc ngày 13/10. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hàn Quốc nhấn mạnh hai bên cũng nhất trí rằng cần phải thực hiện các nỗ lực ngoại giao để đạt được việc phi hạt nhân hóa một cách hòa bình, hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Hai nước đều cho rằng các biện pháp trừng phạt và sức ép chống Triều Tiên là những phương tiện ngoại giao khiến Triều Tiên phải từ bỏ các loại vũ khí hạt nhân.
Về phần mình, Ngoại trưởng Australia Bishop tái khẳng định cam kết hợp tác với Hàn Quốc trong việc đối phó với các tham vọng phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng trở lại với bàn đàm phán để thảo luận vấn đề hạt nhân.