Ghi nhận của phóng viên trong ngày 23/9, thủy triều tiếp tục dâng cao gây ngập một số tuyến đường thuộc nội ô thành phố Cà Mau. Riêng tuyến đường Đề Thám thuộc Phường 2, thành phố Cà Mau thường xuyên bị ngập sâu cả khi có trời mưa và thời điểm nước dâng, gây nhiều khó khăn trong hoạt động lưu thông, mua bán, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Dự báo thời gian tới trên địa bàn tình hình mưa to kết hợp thủy triều dâng cao vẫn còn tiếp diễn. Do đó, cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, chủ động các giải pháp ứng phó nhằm góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của của nhân dân do thiên tai gây ra.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành văn bản chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố Cà Mau theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo về thời tiết, nhất là các tin cảnh báo về tình hình mưa lớn, kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động ứng phó. Đồng thời, lực lượng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo người dân các biện pháp phòng tránh ngập úng để giảm thiệt hại tài sản, diện tích sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương vận hành hợp lý, hiệu quả hệ thống cống, đập, trạm bơm để tiêu thoát nước, ngăn triều cường, bảo vệ sản xuất; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, chỉ đạo xử lý, gia cố các vị trí sạt lở, có nguy cơ sạt lở đất để phòng tránh thiệt hại. Lực lượng chức năng tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn người dân gia cố bờ bao, chống tràn, tránh thất thoát thủy sản nuôi, hoa màu, bảo vệ sản xuất; hỗ trợ người dân thu hoạch, tiêu thụ lúa kịp thời, tránh để thiệt hại và thực hiện chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất do thiên tai đúng trình tự, thủ tục quy định.
Mặt khác, Sở Giao thông vận tải kiểm tra, chỉ đạo cắm biển cảnh báo tại các vị trí đường bị ngập, nguy hiểm nhằm tránh để xảy ra tai nạn. Công ty Điện lực Cà Mau tăng cường kiểm tra hệ thống điện tại các vị trí có nguy cơ rò rỉ điện, nhất là ở các tuyến đường bị ngập, khu vực có nhiều cây cao, khẩn trương có biện pháp đảm bảo an toàn, tránh để xảy ra tai nạn về điện.
UBND các huyện, thành phố có liên quan khẩn trương rà soát diện tích lúa đến thời điểm thu hoạch, nhu cầu máy gặt đập liên hợp, nhân công, thương lái tiêu thụ lúa tại từng địa bàn cụ thể, qua đó điều tiết phương tiện, nhân công, thương lái thu hoạch, thu mua lúa. Chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra địa bàn, hướng dẫn người dân các biện pháp hạn chế thiệt hại cây trồng, vật nuôi; chủ động tổ chức thăm hỏi, động viên, huy động lực lượng giúp người dân khắc phục thiệt hại; sử dụng hiệu quả, kịp thời các nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai...
Theo Văn phòng thường trực Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2024 đến ngày 23/9, thiên tai liên tiếp xảy ra trên địa bàn đã gây thiệt hại về tài sản ước tính lên đến gần 40 tỷ đồng. Đáng lưu ý, mưa to kèm theo dông lốc đã làm thiệt hại 199 căn nhà, ngã đổ 6 trụ điện và cáp viễn thông, 4 cây xanh… Mưa to kết hợp triều cường dâng cao đã gây ngập úng, dẫn đến thiệt hại hơn 700 ha lúa Hè Thu. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 730 vị trí sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài hơn 19 km và có 106 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài hơn 2,8 km.