Đây là đợt kiểm tra, đánh giá tổng thể về tình hình vận hành các công trình, dự án cấp nước sạch; cũng như đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cấp nước sinh hoạt trên toàn tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, căn cứ trên kết quả giám sát, HĐND tỉnh Đắk Nông đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông khẩn trương ban hành giá nước sạch nông thôn theo quy định của Bộ Tài chính. Đây được coi là cơ sở quan trọng để các cơ sở được giao quản lý, vận hành công trình nước sạch thực hiện duy tu bảo dưỡng, cung ứng nước sạch, kiểm nghiệm chất lượng nước, đảm bảo nguồn nước cung cấp cho người dân và phát huy hiệu quả các công trình. Đồng thời, sớm trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành quyết định hỗ trợ giá nước sạch cho các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách, đảm bảo quyền được tiếp cận, sử dụng nước sạch của các hộ thuộc diện này.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị UBND cùng cấp chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá tính cấp thiết, hiệu quả của từng dự án cấp nước sạch tập trung khu vực nông thôn và bố trí kinh phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp phù hợp; sớm triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để đưa vào vận hành các dự án thuộc chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” (vay vốn Ngân hàng Thế giới); tổ chức thanh lý, xử lý dứt điểm đối với các công trình bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả…
Theo báo cáo của các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn tỉnh hiện có 280 công trình cấp nước sạch đô thị, nông thôn tập trung. Đối với nước sạch đô thị, toàn tỉnh hiện có 12 công trình với tổng kinh phí đầu tư hơn 225 tỷ đồng; công suất thiết kế gần 23.000 m3/ngày đêm, thực tế gần 18.400 m3/ ngày đêm. Đối với các công trình cấp nước sạch nông thôn, toàn tỉnh hiện có 2 công trình với tổng kinh phí đầu tư hơn 450 tỷ đồng; trong đó, đang hoạt động là 76 công trình; ngưng hoạt động là 192 công trình.
Đáng chú ý, tổng công suất theo hồ sơ thiết kế của 2 công trình nước sạch nông thôn gần 20.500 m3/giờ; còn công suất thực tế hơn 8.200 m3/giờ (chiếm 40%); tổng số hộ dân đấu nối theo thiết kế hơn 36.000 hộ, còn số số hộ dân đấu nối thực tế chỉ gần 13.500 hộ (chỉ chiếm 37,5%).
Nhìn chung, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Đắk Nông đánh giá các công trình cấp nước sinh hoạt sau khi được đầu tư, đưa vào sử dụng đã cung cấp nguồn nước sạch kịp thời cho hàng chục nghìn hộ dân, góp phần gia tăng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước đạt chuẩn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt cũng như góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều công trình nước sạch nông thôn, nhất là các công trình do UBND cấp xã quản lý hầu như không được kiểm nghiệm chất lượng nước sạch; hàng loạt công trình đã hư hỏng máy móc, đường ống, trạm bơm… và không hoạt động nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý dứt điểm; mực nước ngầm tại phần lớn các giếng khoan đã sụt giảm và tình trạng hụt nước vào mùa khô khá phổ biến.
Đáng chú ý hơn, tỉnh Đắk Nông chưa có quy hoạch cấp nước nông thôn tập trung, các công trình cấp nước được đầu tư chủ yếu theo mục tiêu, tính chất của các chương trình, dự án một số công trình được đầu tư trên đất của người dân, đất quốc phòng, trụ sở UBND xã…
Thời gian qua, do tỉnh Đắk Nông chưa ban hành bảng giá nước sạch nông thôn nên các đơn vị được giao quản lý, vận hành công trình rất lúng túng trong việc thu tiền nước. Tình trạng này ảnh hưởng tới quá trình quản lý, vận hành các công trình cũng như chất lượng nước sạch cấp cho người dân. Trong số đó, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông thu tiền ở mức 3.000 - 7.000 đồng/m3 và giá này bị xem là chưa đủ cơ sở pháp lý, chưa tính đúng, tính đủ chi phí và khấu hao tài sản. Còn một số doanh nghiệp khác áp dụng bảng giá nước sạch đô thị cho một số khu vực nông thôn và việc này bị xác định không đúng quy định, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.