Tuy nhiên, địa phương vẫn phải đối mặt với thách thức do sự chênh lệch trong phát triển kinh tế - xã hội giữa các khu vực và nhu cầu việc làm ngày càng tăng cao. Trước tình hình đó, tỉnh đã không ngừng nỗ lực triển khai các chương trình nhằm tạo việc làm, giúp người lao động khó khăn ổn định cuộc sống.
Cung - cầu lao động chưa “gặp” nhau
Với khoảng 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động, Đắk Lắk là một trong những tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, phần lớn người lao động vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc ổn định, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ có việc làm sau khi giới thiệu vẫn chưa cao do không thống nhất mức lương và đãi ngộ giữa người lao động với các đơn vị, doanh nghiệp.
Chị H’Phai Knul (ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trước đây chị tham gia lao động tại một công ty gần nhà với mức lương 3,9 triệu đồng/tháng. Công việc làm theo giờ hành chính, tuy nhiên, mức lương quá thấp không đủ để chị có thể trang trải cuộc sống. Nghỉ việc hơn 5 tháng, chị H’Phai mong muốn tìm được một công việc mới với mức thu nhập ổn định hơn để tiến tới lập gia đình, ổn định cuộc sống.
Anh Y Linh Ê ban (ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) làm công nhân tại tỉnh Bình Dương. Sau thời gian làm việc xa quê, con cái đã lớn nên hai vợ chồng anh quyết tâm về Đắk Lắk sinh sống và tìm việc, nhưng anh Y Linh lại gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm phù hợp.
“Tôi mong muốn tìm công việc gần nhà, ổn định tại địa phương cho cả hai vợ chồng, có thể là công việc lái xe hoặc công nhân công ty trái cây… Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu một vài công ty, tôi thấy đều không phù hợp với nhu cầu của mình”, anh Y Linh Ê ban chia sẻ.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, 9 tháng năm 2024, thị trường lao động tại tỉnh có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động (theo hướng thiếu hụt lao động) ở tất cả các cấp độ kỹ năng, trình độ, nơi làm việc dự kiến, mức lương khởi điểm, hình thức làm việc, giới tính và độ tuổi khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động tại địa phương tương đối lớn. Số lượng tuyển dụng của các đơn vị doanh nghiệp trong tỉnh là gần 15.000 người, tập trung lao động phổ thông với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng; ngoại tỉnh hơn 10.000 người làm việc tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa... mức thu nhập 12-15 triệu đồng/tháng.
Nhu cầu tuyển dụng nhiều, tuy nhiên, số lượng đáp ứng không cao do bà con tập trung mùa màng hái cà phê... nên nhiều nơi thiếu nhân sự. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cung - cầu lao động chưa “gặp” nhau là do một số lao động chưa đáp ứng được nhu cầu như: Kỹ năng, trình độ, kinh nghiệm, tác phong làm việc… Nhiều lao động làm việc trong môi trường nông nghiệp nên khi qua môi trường công nghiệp không quen; các lao động có trình độ cao tại địa phương ít, không đáp ứng được trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm tay nghề…
Nỗ lực tạo việc làm
Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, đồng thời, hỗ trợ người lao động có nhu cầu. 9 tháng năm 2024, Trung tâm đã tổ chức và tham gia 93 phiên giao dịch việc làm, buổi tư vấn việc làm (trong đó, tổ chức 1 phiên giao dịch việc làm chuyên đề, 15 phiên giao dịch việc làm lưu động, 2 ngày hội việc làm, 1 phiên giao dịch việc làm online và tham gia 42 phiên giao dịch việc làm tại các địa phương, đơn vị); tham gia 32 buổi tư vấn việc làm trên địa bàn tỉnh. Trung tâm đã thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của 1.394 lượt đơn vị sử dụng lao động (khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản) với số lượng tuyển dụng là 20.961 người; tư vấn việc làm, nghề nghiệp, xuất khẩu lao động và các chế độ chính sách cho .970 lượt người.
Đáng chú ý, Ngày hội việc làm thường niên tại tỉnh Đắk Lắk đã thu hút sự tham gia của hàng trăm đơn vị tuyển dụng trong và ngoài tỉnh, với nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động phổ thông và có trình độ chuyên môn. Các doanh nghiệp không chỉ tiếp nhận hồ sơ mà còn tổ chức tư vấn trực tiếp, giúp người lao động tìm hiểu rõ hơn về các yêu cầu công việc và các cơ hội nâng cao thu nhập. Điều này không chỉ góp phần giải quyết việc làm tại chỗ mà còn giúp người lao động có cái nhìn rõ ràng hơn về thị trường lao động.
Chị Hồ Thị Linh (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo neo đơn. Trước đây, chị Linh không có công việc ổn định, sống bằng nghề làm thuê. Mới đây, chị được địa phương giới thiệu và tham gia tìm kiếm việc làm. Từ ngày có công việc tại một công ty nông sản sầu riêng với mức lương 6 triệu đồng/tháng, cuộc sống của hai mẹ con chị đã đỡ vất vả.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Trung tâm đã lựa chọn các doanh nghiệp uy tín, thực hiện đúng quy trình, chính sách với người lao động. Các thông tin doanh nghiệp đưa ra phải đúng, thật, không đánh bóng. Bên cạnh đó, Trung tâm tích cực phối hợp, tuyên truyền về thông tin tuyển dụng và nhu cầu tìm kiếm việc làm thông qua website, Facebook, Zalo, mã QR… đến người lao động, các đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh công tác tổ chức phiên giao dịch việc làm, nổi bật là các hội nghị tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, Đắk Lắk là địa phương có 49 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc có phong tục, tập quán khác nhau. Những năm gần đây, tại địa phương, các sản phẩm chủ lực như cà phê, tiêu, sầu riêng... có giá thành cao, người dân có thu nhập tốt. Do đó, đơn vị, doanh nghiệp nào có mức lương cao, môi trường làm việc tốt, có nhiều chế độ, chính sách thì người lao động sẽ tham gia. Thực tế hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh ký cho hơn 12.000 lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tuy nhiên, số lao động quay trở lại thị trường rất thấp, chỉ khoảng 30%.
“Làm như thế nào để người lao động quay trở lại thị trường lao động. Vấn đề ở đây là thu nhập, môi trường làm việc để đảm bảo cho lao động yên tâm làm việc. Hiện nay, tỉnh đã kêu gọi đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp và kỳ vọng tới đây các khu, cụm công nghiệp mới sẽ thu hút được nhiều lao động để giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn", ông Nguyễn Quang Thuân thông tin.
Cũng theo ông Thuân, tỉnh đã có nhiều giải pháp để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước về đầu tư tại Đắk Lắk. Sở đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các chương trình chiến lược, đặc biệt là Chiến lược phát triển đào tạo nghề cho người lao động đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040. Trong đó, thực hiện Đề án về cơ cấu giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để xây dựng các trường trọng điểm quốc gia, thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề không chỉ cho Đắk Lắk mà còn cho khu vực Tây Nguyên.
Có thể thấy, những nỗ lực của Đắk Lắk trong việc kết nối và tạo việc làm cho người lao động đã giúp cải thiện đời sống cho hàng ngàn lao động khó khăn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tạo việc làm cho hơn 30.000 người trong năm 2024, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và chính người lao động cần chung tay, phát huy sự chủ động và linh hoạt trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng biến động. Đây không chỉ là một nhiệm vụ cấp bách mà còn là cơ hội để Đắk Lắk khẳng định vai trò là trung tâm lao động có năng lực của khu vực Tây Nguyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.