Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Đăk Dục nói riêng và huyện Ngọc Hồi nói chung. Kết hợp cùng với Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và Cột mốc ngã 3 biên giới giữa nước Việt Nam - Lào - Campuchia (cùng xã Pờ Y), Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng góp phần đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, dịch vụ, hình thành điểm tham quan đáp ứng các yêu cầu phục vụ du khách; thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Già làng Đăk Răng Blong Vẽ vui mừng cho biết, người Gié-Triêng rất phấn khởi khi nơi mình sinh sống được chính quyền địa phương công nhận là Làng du lịch cộng đồng. Đây là cơ hội để đồng bào phát huy sức mạnh tập thể, đẩy mạnh những nét đẹp văn hóa dân tộc, cuộc sống đời thường. Qua đó, tăng thêm thu nhập, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.
Đăk Răng là ngôi làng ở vùng biên giới đầu tiên của huyện Ngọc Hồi được công nhận là Làng du lịch cộng đồng. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng người Gié-Triêng với 110 hộ, 348 nhân khẩu. Tại đây còn là nơi lưu giữ những nét đặc trưng riêng về kiến trúc của một ngôi làng người Gié-Triêng, cùng với những giá trị đặc sắc về văn hóa truyền thống tạo nên điểm nhấn về du lịch.
Nhiều nhánh sông, suối chảy qua địa bàn làng Đăk Răng, gắn kết với địa hình đồi núi, rừng cây và diện tích canh tác nương, rẫy tạo nên cảnh quan thiên nhiên hài hòa, hội tụ đầy đủ các yếu tố cảnh quan chung của vùng đất Tây Nguyên. Đặc biệt, tại làng còn có Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Seang, sân bay Đăk Seang là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân huyện Ngọc Hồi những năm 1970 - 1975. Bên cạnh đó, người dân làng Đăk Răng hiền lành, thân thiện và mến khách. Nơi đây còn có một đoàn nghệ nhân nổi tiếng thường xuyên tham gia các sự kiện văn hóa truyền thống trong và ngoài tỉnh.
Hiện người Gié-Triêng tại Đăk Răng còn giữ gìn được một số bản sắc văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng, hộ gia đình như: Tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống; làm rượu cần; dệt thổ cẩm; chế tác các loại nhạc cụ; đan lát dụng cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt gia đình; chế biến và sử dụng nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên hoặc người dân bản địa sản xuất.
Để phát triển du lịch hiệu quả, một số gia đình đã xây dựng mô hình homestay, tổ chức phục vụ, hướng dẫn du khách tham gia các hoạt động văn hóa tại làng. Chính quyền xã Đăk Dục còn hỗ trợ, khuyến khích người dân sản xuất, xây dựng mô hình du lịch, dịch vụ trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Địa phương tiếp tục tập trung khai thác các thế mạnh về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm; kiến nghị cấp trên đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác du lịch…