Vụ Đông Xuân 2024-2025, Lào Cai dự kiến trồng 5.0 ha rau, 9.600 ha lúa và 9.890 ha cây ngô. Lào Cai có 107 đập, hồ chứa nước thủy lợi; 2.753 đầu mối thu nước, trên 4.800 km kênh mương… đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới tiêu cả năm cho hơn 34.000 ha lúa và khoảng 1.500 ha rau màu, ao nuôi thủy sản. Tuy nhiên, sau bão số 3 đã có 5 công trình thủy lợi bị hư hỏng. Theo các địa phương, dự báo vụ Đông Xuân năm 2024-2025 diện tích bị hạn, thiếu nước chủ yếu tập trung tại các công trình thủy lợi bị hư hỏng do bão gây ra hiện tại đang khắc phục, sửa chữa tạm chỉ đáp ứng được một phần nước để tưới.
Theo UBND tỉnh Lào Cai, trong số hơn 1.359 ha lúa có nguy cơ bị hạn thì chỉ có 423 ha có thể khắc phục bằng bơm tưới. Còn lại hơn 936 ha có nguy cơ cao xảy ra hạn hán. Đối với trên 393 ha cây trồng có nguy cơ hạn hán thì chỉ có khoảng 101 ha có thể khắc phục được bằng bơm tưới. Diện tích còn lại không có nguồn nước để khắc phục tập trung chủ yếu tại các huyện Bảo Yên, Si Ma Cai, Văn Bàn, Mường Khương, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai.
Đối với các công trình cấp nước sinh hoạt, sau cơn bão Yagi, Lào Cai có 124 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và khoảng 2.000 công trình cấp nước sinh hoạt hộ gia đình (tương đương 3.800 hộ) bị hư hỏng. Sau gần 4 tháng khắc phục, hiện tại chỉ đáp ứng cấp nước được một phần. Dự báo, sẽ có khoảng 1.947 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, tương ứng với 9.835 người, tập trung chủ yếu ở huyện Mường Khương với 466 hộ (2.330 người) tại các xã Tả gia Khâu, Dìn Chin, Pha Long, Tả Thàng. Huyện Bắc Hà có khoảng 180 hộ (900 người) thuộc 5 xã Tả Van Chư, Lùng Cải, Tả Củ Tỷ, Nậm Khánh, Cốc Ly sẽ bị thiếu nước sinh hoạt.
Bên cạnh những thiệt hại do bão số 3 gây ra, nguy cơ hạn hán tại các địa phương của Lào Cai còn có nguyên nhân từ tình hình thời tiết bất lợi trong năm 2025. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, 3 tháng đầu năm 2025, mực nước trên các sông suối của Lào Cai có xu thế xuống thấp dần; tổng lượng nước mặt trên sông Hồng khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 20 triệu m3. Từ tháng 4 đến tháng 6/2025, số ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng nhiều hơn trung bình các năm làm mực nước ngầm sụt giảm, nhiều giếng nước, khe, mạch bị khô cạn; mực nước trên các sông suối biến đổi chậm và ở mức thấp.
Hạ tầng thủy lợi và cấp nước bị hư hỏng nghiêm trọng, tình hình thời tiết được dự báo diễn biến cực đoan cùng với nguồn nước suy kiệt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng dẫn chuyển nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân Lào Cai. Trước thực trạng đó, Lào Cai đang triển khai các giải pháp thích hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại về sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc, đặc biệt tại các địa bàn vùng cao biên giới.
Nỗ lực dẫn nước và đảm bảo nguồn nước
Sau bão, để có kinh phí sửa chữa hạ tầng thủy lợi, các địa phương của Lào Cai đã chủ động sử dụng, bố trí các nguồn vốn, huy động các nguồn lực xã hội hoá để khắc phục thiệt hại. Tuy nhiên, do số lượng và khối lượng công trình bị hư hỏng lớn, cần nhiều kinh phí tu sửa nên việc khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. Một số địa phương đã sáng tạo, linh hoạt triển khai các giải pháp và bước đầu đã đem lại hiệu quả nhất định.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Bát Xát, mưa lũ đã làm 2.750 m kè, trên 44.000 m kênh mương bị sạt trôi, hư hỏng; 72 đập thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng, vùi lấp; 1.450 m bờ suối bị sạt lở, dự báo ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước tưới cho 330 ha vụ Đông Xuân năm 2024-2025.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát Lý Khánh Lâm cho biết, để đảm bảo nước tưới cho sản xuất vụ Đông, ngành nông nghiệp huyện đã tập trung, huy động toàn bộ lực lượng phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, thiệt hại về các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, cấp nước tập trung khu vực nông thôn. Với những công trình bị ảnh hưởng ít thì huy động nhân dân tập trung nạo vét bùn đất để khơi thông dòng chảy, còn đối với công trình bị vùi lấp với khối lượng lớn thì huy động phương tiện, máy móc hỗ trợ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, xã Quang Kim có 7 công trình thuỷ lợi bị thiệt hại cùng 3 km kênh mương nội đồng kiên cố hóa bị vùi lấp với độ sâu từ 0,5 đến hơn 1m.
Ngay sau khi lũ rút, xã đã vận động nhân dân và kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ cải tạo lại đồng ruộng, nạo vét tu sửa tạm thời. Ông Ngô Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND xã Quang Kim cho biết để đảm bảo cho sản xuất cây vụ Đông, đối với những kênh mương bị vùi lấp hơn 1 m, không thể khắc phục được thì xã tập trung đầu tư mương nổi bằng cách mua ống nhựa trải tạm bạt ni lông làm lòng máng để dẫn nước vào đồng ruộng, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho bà con vói mục tiêu hoàn thành thắng lợi vụ Đông Xuân.
Có nước gia đình chị Lìu Thị Tý, thôn Làng Kim đã khẩn trương gieo trồng trên 1.400 m2 màu và khoai tây vụ Đông, hy vọng bù đắp được những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Chị Tý chia sẻ: "Khi lũ rút, xã và bà con bàn bạc và thống nhất tìm cách đưa nước vào ruộng. Khi có nước rồi, gia đình phải nhanh chóng xuống giống để cho thu hoạch rau, màu kịp thời phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới".
Bên cạnh việc đánh giá cao một số địa phương đã có sáng tạo trong việc khắc phục thiệt hại hệ thống kênh mương nội đồng, kịp thời dẫn nước tưới tiêu cho sản xuất ngay sau lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục tăng cường phân bổ các nguồn lực để tiếp tục đầu tư sửa chữa nâng cấp công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ Đông Xuân 2024-2025 và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.
Theo đó, từ nguồn cứu trợ khắc phục thiệt hại do bão số 3, Lào Cai đã phân bổ đầu tư sửa chữa với tổng kinh phí trên 44,8 tỷ đồng và trên 264 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương và ngân sách tỉnh cho 106 công trình thủy lợi, 51 công trình cấp nước sinh hoạt và 10 công trình đập, hồ chứa thủy lợi.
Ngoài ra, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, duy tu, sửa cụm đầu mối, tuyến kênh mương của các công trình đang hoạt động, nhất là các công trình đã xuống cấp để đảm bảo nguồn nước không bị rò rỉ, thất thoát. Khi hạn hán xảy ra, sử dụng tối đa phương pháp tưới động lực bơm nước từ các khe suối, hồ, đập để tưới bổ sung cho các khu vực bị hạn. Tùy thuộc vào từng địa phương, cần chủ động khai thác, tận dụng triệt để nguồn nước từ các khe, suối, ao, hồ để chống hạn.
Các địa phương điều chỉnh thời vụ và cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng để hạn chế đến mức thấp nhất tác động của nắng nóng, khô hạn ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, chú trọng nhất là cây lúa có thời vụ gieo cấy xung quanh tiết lập Xuân. Cơ quan chức năng thực hiện hệ thống thu, xử lý, trữ nước an toàn cho gia đình nông thôn thông qua các dự án cấp, hỗ trợ thiết bị trữ nước, máy lọc nước đạt tiêu chuẩn; đồng thời, nâng cao kỹ năng quản trị nguồn nước mặt, nước mưa, nước dưới đất để có nguồn nước thô đảm bảo về chất nước và trữ lượng sử dụng lâu dài, ổn định.