Tại thành phố Buôn Ma Thuột, vào hai ngày cuối tuần (9 - 10/3), đông đảo nhân dân và du khách đã đến quảng trường 10/3, chợ phiên @ Buôn Ma Thuột, Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột để thưởng thức cà phê, sô-cô-la miễn phí. Ngoài ra, hưởng ứng lời kêu gọi của UBND thành phố, hàng trăm quán cà phê trên địa bàn đã phục vụ cà phê miễn phí cho nhân dân từ 1 - 2 ngày. Một số quán cà phê ở các huyện, thị xã khác cũng nhiệt tình hưởng ứng chương trình.
Chị Nguyễn Lê Thị Hạ Duyên, du khách đến từ tỉnh Bình Định cho hay, đến tỉnh Đắk Lắk du lịch trong dịp này, chị được thưởng thức ly cà phê miễn phí ở chợ phiên @ Buôn Ma Thuột. Chị Duyên thấy chương trình phục vụ cà phê miễn phí là hoạt động rất ý nghĩa, vừa khơi gợi lịch sử, vừa quảng bá hương vị cà phê Buôn Ma Thuột nức tiếng xa gần nói riêng, vừa quảng bá vẻ đẹp, hình ảnh, con người của Đắk Lắk nói chung. Trong 3 ngày du lịch ở Đắk Lắk, chị Duyên rất ấn tượng với hương vị cà phê thơm ngon, người dân hiếu khách, cảnh đẹp, có nhà sàn mát mẻ và thức ăn ngon như cơm lam, gà nướng.
Anh Hoàng Danh Hữu, người sáng lập thương hiệu MISS EDE cho biết, hưởng ứng chương trình phục vụ cà phê miễn phí, từ tối 8/3, đơn vị anh đã có mặt ở quảng trường 10/3 để phục vụ những ly sô-cô-la miễn phí cho nhân dân và du khách. Theo dự kiến, đơn vị anh sẽ phục vụ 3.000 ly, song người dân và du khách nhiệt tình thưởng thức, tính đến chiều ngày 10/3, đơn vị đã phục vụ hơn 6.000 ly và dự kiến sẽ phục vụ thêm 4.000 ly sô-cô-la trong tối 10/3. Theo anh Hữu, chương trình phục vụ cà phê miễn phí tạo cơ hội để các nhãn hàng, thương hiệu tri ân khách hàng cũ, tiếp cận hàng chục ngàn người tiêu dùng tiềm năng và quảng bá chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh chương trình phục vụ cà phê miễn phí, trong hai ngày 9 - 10/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột còn diễn ra các hoạt động như: Liên hoan Nghệ thuật hát Then - đàn Tính mở rộng thành phố lần thứ 2 - năm 2024; Lễ khởi công chế tác con rồng dài 120m chào mừng 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024) và chế tác 50 trống chào mừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2025); triển lãm ảnh chủ đề “Mùa xuân trên thành phố Buôn Ma Thuột”... Các hoạt động diễn ra sôi nổi, vui tươi, vừa kích cầu du lịch, vừa gắn kết tình đoàn kết của nhân dân các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn.
Một hoạt động nổi bật, mang dấu ấn văn hóa đặc sắc trong dịp này là chương trình “Lễ hội tháng 3 Tây Nguyên - Buôn Đôn” diễn ra tại Trung tâm du lịch cầu treo Buôn Đôn trong hai ngày 9 - 10/3. Chương trình do Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk) phối hợp với UBND huyện tổ chức.
Đông đảo du khách đã được trải nghiệm các hoạt động thân thiện với voi như: xem voi hóa trang, giao lưu và chụp ảnh cùng voi, xem tiệc buffet cho voi, show té nước cùng voi và xem lễ cúng sức khỏe cho voi. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức và trải nghiệm chương trình nghệ thuật đậm đà văn hóa các dân tộc Lào - Ê Đê - M’nông - Jrai… đang sinh sống trên địa bàn huyện, tìm hiểu về lịch sử hình thành làng đảo Buôn Đôn, tìm hiểu lễ cưới theo phong tục của người dân tộc Lào, chương trình biểu diễn trang phục truyền thống của các dân tộc; xem giải đua thuyền kayak, trải nghiệm chèo thuyền kayak.
Anh Eden Juang, du khách đến từ Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, đến Buôn Đôn ngay dịp “Lễ hội tháng 3 Tây Nguyên - Buôn Đôn”, anh cảm thấy rất ấn tượng, thích thú và hấp dẫn. Đặc biệt, anh được chụp hình cùng voi, tương tác với voi, cho voi ăn và xem lễ cúng sức khỏe cho voi. Đây là những hoạt động rất ý nghĩa, nhắn nhủ thông điệp “Cần bảo vệ voi, bảo vệ sức khỏe cho voi vì Việt Nam còn rất ít voi”.
Lần đầu tiên đến với Buôn Đôn ngay dịp “Lễ hội tháng 3 Tây Nguyên - Buôn Đôn”, Phan Ngọc Quế Lâm, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, bản thân thấy rất may mắn vì đến Đắk Lắk vào đúng thời điểm diễn ra “Lễ hội tháng 3 Tây Nguyên - Buôn Đôn”. Tham gia chương trình Lễ hội, chị đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, mở mang thêm nhiều hiểu biết và kiến thức văn hóa. Đặc biệt, chị rất ấn tượng với chương trình biểu diễn trang phục truyền thống của các dân tộc, càng tự hào hơn về văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Theo bà Trần Thị Kim Ánh, Giám đốc Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện, Trưởng ban Tổ chức “Lễ hội tháng 3 Tây Nguyên - Buôn Đôn”, chương trình lan tỏa các giá trị tốt đẹp, bản sắc văn hóa đất và người Tây Nguyên. Thông qua chương trình nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong quá trình hội nhập và phát triển; giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc cũng như kích cầu du lịch.
Tự hào sinh sống ở quê hương mùng Mười tháng Ba anh hùng, nhân dân trên địa bàn đã nhiệt tình quảng bá, hưởng ứng các hoạt động, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách. Các hoạt động, chương trình không chỉ gợi nhớ lịch sử, lan tỏa giá trị nhân văn về kêu gọi bảo tồn đàn voi nhà mà còn gắn kết cộng đồng, tôn vinh những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của 49 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, quảng bá và kích cầu du lịch, giới thiệu đặc sản địa phương.