Tổ hợp thể thao sân cỏ All England Club (AELTC) - đơn vị tổ chức Wimbledon đã mua bảo hiểm đại dịch từ sau khi SARS bùng phát năm 2003. AELTC đã đóng 2 triệu USD tiền bảo hiểm mỗi năm, trong 17 năm qua. Số tiền bồi thường họ nhận được khi giải năm nay bị hủy là 141 triệu USD.
Dù số tiền được bảo hiểm là khá lớn, việc hủy bỏ giải đấu rõ ràng là một cú đánh tài chính không nhỏ đối với các nhà tổ chức. Số tiền bồi thường chưa đủ để bù đắp doanh thu nếu giải được tổ chức. Bởi hàng năm, doanh thu của Wimbledon là gần 320 triệu USD.
Giám đốc điều hành Wimbledon Richard Lewis cho rằng, mặc dù có chính sách bảo hiểm tốt, Wimbledon sẽ vẫn chịu tổn thất không nhỏ từ việc bị hoãn hủy.
“Bảo hiểm sẽ giúp bảo vệ thặng dư ở một mức độ nào đó, thậm chí là một khoản lớn. Nó giúp được phần nào, nhưng nó không giải quyết được tất cả các vấn đề”, Giám đốc điều hành Wimbledon Richard Lewis cho biết.
Wimbledon là một trong 4 giải Grand Slam của quần vợt thế giới. Giải năm nay dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 29/6 - 12/7. Tuy nhiên, do sự bùng phát dữ dội của COVID-19 tại Anh và châu Âu, Ban tổ chức đã quyết định hủy giải năm nay. Đây là lần đầu tiên sau 75 năm, kể từ Thế chiến thứ hai, giải Grand Slam uy tín, có truyền thống lâu đời, diễn ra trên mặt sân cỏ bị hủy bỏ. Giải đấu này đã từng bị hủy 10 lần, đều do ảnh hưởng của chiến tranh thế giới.
Wimbledon là giải Grand Slam đầu tiên bị hủy trong năm 2020 vì COVID-19. Trước đó, giải Pháp mở rộng (Roland Garros) giải Grand Slam diễn ra trên mặt sân đất nện dự kiến sẽ diễn ra cuối tháng 5, đã quyết định hoãn và dời lịch sang thi đấu vào cuối tháng 9, chỉ 1 tuần sau khi giải Mỹ mở rộng (US Open) ở New York kết thúc, trong trường hợp nếu COVID-19 được kiểm soát.
Các giải quần vợt đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Wimbledon bị hủy bỏ. Roland Garros tạm hoãn lại rời lịch thi đấu. Và ngay cả US Open - nơi mà có cơ sở, thiết bị đang được sử dụng như một bệnh viện dã chiến - được nhận định khó có thể đáp ứng thời hạn vào ngày 31/8 tới.