Hiệp hội quần vợt nữ WTA ngay lập tức chia sẻ thông tin Hingis sẽ giải nghệ. Ảnh: WTA |
Thông báo của cô được đăng trên trang Facebook:
“Nhìn lại tất cả, thật khó tin tôi đã trải qua đúng 23 năm sự nghiệp kể từ trận đánh chuyên nghiệp đầu tiên.
Năm nay, tôi có thêm một năm gặt hái nhiều giải thưởng nhất trong đời cả góc độ cá nhân lẫn sự nghiệp thi đấu. Nhưng tôi tin giải nghệ bây giờ đã là đúng lúc, tôi sẽ làm điều đó ngay sau trận đấu cuối cùng tại Singapore”.
Giải nghệ ở tuổi 36, Hingis trở thành tay vợt có sự nghiệp dài thứ 3 và thành công thứ 10 trong lịch sử quần vợt thế giới. Cô giành được tới 25 danh hiệu Grand Slam kể từ khi chính thức thi đấu chuyên nghiệp trong khuôn khổ các giải đấu của WTA Tour từ năm 1994. Trong đó, 5 Grand Slam đánh đơn, 7 danh hiệu Grand Slam đôi nam nữ và 13 Grand Slam đôi nữ.
Hingis khi mới 15 tuổi và giành chức vô địch Grand Slam đầu tiên. Ảnh: DM |
Martina Hingis có một sự nghiệp lừng lẫy nhưng cũng vô cùng trắc trở của một tay vợt tài năng, thành công sớm và cũng sớm gặp biến cố.
Trong sự nghiệp của mình, Hingis từng tuyên bố giải nghệ hơn một lần. Ở vào giai đoạn chấn thương khiến cô mất hết ý chí, Hingis ở tuổi 22 (năm 2003) đã thẳng thừng tuyên bố chấm dứt sự nghiệp ở thời điểm 5 lần vô địch Grand Slam nội dung đơn. Mới chỉ là một tay vợt trẻ, Hingis đã vô địch Australia mở rộng 3 lần, thêm các danh hiệu Wimbledon và Mỹ mở rộng vào các năm 1997 và 1999.
Làng quần vợt bất ngờ về sự biến mất của cô bao nhiêu thì càng thêm bất ngờ khi cô trở lại vô cùng thành công ở nội dung đánh đôi sau đó 3 năm (năm 2006).
Thế nhưng ngay trong năm 2007, cô nhận án cấm thi đấu 2 năm sau khi kết quả kiểm tra của cô dương tính với cocaine. Hingis tuyên bố giải nghệ lần thứ hai.
* Trở thành tay vợt trẻ nhất vô địch Wimbledon khi mới 15 tuổi ở nội dung đôi nữ cùng tay vợt Helena Sukova năm 1996.
* Trở thành nhà vô địch đơn nữ trẻ nhất tại các giải Grand Slam ở thế kỷ 20 khi vô địch Australia mở rộng năm 1997 khi mới 16 tuổi. Cũng trong năm này, cô vô địch cả Wimbledo và Mỹ mở rộng và trở thành tay vợt đầu tiên sau Steffi Graf (1993) vào tới chung kết ở cả 4 giải Grand Slam.
* Năm 1997, cô trở thành tay vợt trẻ nhất thế giới bước lên ngôi số 1 và trải qua 80 tuần liên tiếp giữ vững vị trí này trước khi chấn thương mắt cá khiến cô sụt giảm thứ hạng. |
Thế nhưng sân quần vợt không dễ chia tay như thế, niềm đam mê kéo Hingis trở lại lần thứ 3 vào năm 2013 sau khi được vinh danh tại Lâu đài danh vọng của quần vợt thế giới (International Tennis Hall of Fame). Lần này, cô chỉ tham gia các giải đánh đôi.
Hingis vô địch Wimbledon nội dung đôi nam nữ cùng Jamie Murray năm 2017. Ảnh: DM |
4 Grand Slam đôi nữ và 6 Grand Slam đôi nam nữ của cô là giành được vào giai đoạn thăng hoa từ năm 2015-2017. Bất cứ tay vợt nào đánh cặp với Hingis đều trở thành tay vợt số 1 về đánh đôi từ Sania Mirza tới Chan Yung-jan (đôi nữ), Leander Paes tới Jamie Murray(đôi nam nữ).
Trên sân quần vợt, chưa bao giờ Hingis là biểu tượng của cơ bắp, sức mạnh thể lực như rất nhiều đối thủ gần đây mà cô gặp. Cô là tay vợt tiêu biểu của lối đánh thông minh, sắc xảo, lối đánh đẹp đến hoa mỹ.
Ở tuổi 36, cô vẫn ở đỉnh cao sự nghiệp với vị trí số 1 thế giới về đánh đôi và bước vào tham dự WTA Finals. Ảnh: WTA |
Huyền thoại của quần vợt Thụy Sỹ cũng từng nắm giữ vị trí số 1 thế giới 209 tuần. Với WTA Finals, cô 2 lần vô địch nội dung đơn nữ, 3 lần vô địch nội dung đôi. Đôi chút hối tiếc là cô mới chỉ có được chiếc HCB Olympic 2016 ở nội dung đôi nữ, đánh cặp với tay vợt đồng hương Timea Bacsinszky.
Cuối thông báo của mình, Hingis chia sẻ những dòng cảm xúc:
“Tôi thấy mình thật may mắn khi có cơ hội chơi môn thể thao tuyệt vời này trong suốt nhiều năm.
Quần vợt vẫn luôn là niềm đam mê của tôi và tôi thấy biết ơn mỗi một thách thức, mỗi một cơ hội, mỗi một người cộng tác, mỗi một tình bạn, tất cả đều nhờ quần vợt trao đến cho tôi”.