“Cô bò trên sân băng”
Sharapova, tay vợt đã giải nghệ trong lặng lẽ hồi tháng 2/2020 vừa qua sau 2 năm vật lộn với chấn thương và sa sút phong độ, nổi tiếng là một người biết pha trò, ngay cả trong những tình thế tồi tệ nhất, trái hẳn với phong cách quyết liệt của cô trên sân đấu.
4 năm trước, trong buổi họp báo công bố dương tính với meldonium, một chất mà cô đã dùng từ lâu để trị tiểu đường và mới chỉ nằm trong danh mục cấm của WADA, Sharapova vẫn bình tĩnh trấn an người hâm mộ bằng một phát biểu hài hước rằng “Nếu có giải nghệ, tôi sẽ không tổ chức trong một khách sạn ở Los Angeles với tấm thảm xấu xí như thế này”. Một lần khác, khi một phóng viên cố lấy lòng cô khi tiết lộ rằng, con gái anh ta rất thích cuốn sách Pippi tất dài, nhân vật mà Sharapova từng hóa trang, cô pha trò: “Tuyệt, có lẽ chúng ta mở một CLB sách thôi”.
Nhưng câu nói đùa đặc biệt nhất, và liên quan trực tiếp đến sự nghiệp của Sharapova là phát biểu của cô cách đây gần 14 năm, sau chiến thắng nhọc nhằn trước đàn chị Jill Craybas ở vòng hai Roland Garros. Cô so sánh việc mình di chuyển trên mặt sân đất nện như “một cô bò trên sân băng” vậy. Đó là hình ảnh sống động nhất để mô tả những khó khăn mà những tay vợt như Sharapova, vốn quen di chuyển trên mặt sân chắc chắn và dễ đoán về độ nảy như sân cứng - gặp phải trên mặt sân phải trượt như đất nện.
14 năm sau, khi nhìn lại sự nghiệp của Masha, chúng ta thấy rằng đó không chỉ là một câu đùa. Dường như cô tự nói với chính mình, để quyết tâm vượt qua, bằng sự siêng năng, nhiệt tình, và không sợ hãi. Vì “cô bò” đã biến thành “cô hổ”, và “lớp băng” đã trở thành “đám cỏ dày trên thảo nguyên”.
Cha của Sharapova, ông Yuri Sharapov, đưa con gái sang Mỹ từ năm 1994 và định cư ở đó đến bây giờ, nhưng vẫn thi đấu cho xứ bạch dương trong suốt sự nghiệp của mình (chính cô có vinh dự cầm cờ đoàn thể thao Nga ở Olympic 2012). Trong những năm đầu sang Mỹ, kinh tế khó khăn khiến ông Sharapov thậm chí còn phải đi rửa bát thuê để có tiền cho con theo đuổi sự nghiệp. Có lẽ chính điều đó đã khiến Sharapova trở nên giàu tính kỷ luật từ bé.
Cho dù là động lực nào đi chăng nữa thì Sharapova đã trải qua những thời khắc không quên khi cô đánh bại Serena Williams trong trận chung kết Wimbledon 2004. Chức vô địch ấy mới là danh hiệu thứ 4 trong sự nghiệp còn rất mới mẻ của cô gái 17 tuổi người Nga. Và cô là tay vợt thứ hai ở kỷ nguyên Mở rộng - sau Martina Hingis - giành được Grand Slam khi còn trẻ như vậy. Phần còn lại là lịch sử: Sharapova trở thành tay vợt Nga đầu tiên lên ngôi số một thế giới, ở 5 lần khác nhau, giành tổng cộng 36 danh hiệu (5 Grand Slam).
Nữ hoàng đất nện
Khi vô địch Australian Open 2008, Sharapova đã có 3 danh hiệu Grand Slam ở tuổi 20. Nhưng ở 15 Grand Slam tiếp theo, cô chỉ có đúng một lần lọt vào chung kết. Khi bị Victoria Azarenka đánh bại ở chung kết Australian Open, rất nhiều người đã nghĩ Masha đã đi tới giới hạn của mình. Và không nhiều người nghĩ cô có thể làm nên trò trống gì ở Roland Garros.
Những hạn chế của Sharapova trên sân đất nện dễ nhận thấy. Lối chơi của cô dựa vào sức mạnh và những pha điều bóng, trong khi đây là mặt sân phù hợp với những tay vợt chuyên đánh bền thay vì kết thúc sớm. Những cú giao bóng của Sharapova chưa bao giờ đủ độ tin tưởng, một phần vì chóp vai xoay của cô bị tổn thương khá nặng. Khả năng di chuyển rất tốt của cô trên sân cứng lại không phù hợp với sân đất nện khi tay vợt phải trượt một đoạn dài rồi đột ngột đổi hướng.
Nhưng Sharapova chưa bao giờ mất niềm tin vào lối chơi của mình, và điều đó khiến những chiến tích trên mặt sân đất nện của cô vô cùng đặc biệt. “Tôi đã tiến bộ và cải thiện thành tích trên mặt sân đất nện. Điều đó chẳng có gì bí mật cả”, Sharapova tiết lộ ở Roma năm 2015, “Nhưng nó cũng không phải thành công chỉ sau một đêm”.
Sau thất bại ở chung kết Indian Wells và Miami 2012, Sharapova đã tìm ra công thức chiến thắng trên mặt sân đất nện. Cô vô địch ở Stuttgart và Rome, hai giải đấu khởi động cho Roland Garros. Và đến giải Grand Slam này, Sharpova thẳng tiến vào chung kết mà chỉ thua đúng 1 set. Trong trận chung kết với Sara Errani, tay vợt chỉ cao 1m64 và giao bóng khá yếu, Sharapova dễ dàng thắng 6-3, 6-2. “Đó là khoảnh khắc có một không hai trong sự nghiệp của tôi. Tôi không nghĩ rằng mình có thể làm được điều đó”, Masha nhớ lại.
Sharapova là tay vợt thứ tư trong kỷ nguyên Open giành được Grand Slam sự nghiệp. Đó là chiến tích mà Hingis và rất nhiều tay vợt lớn khác không bao giờ làm được. Và chính cô, cũng như nhiều nhà chuyên môn khác cũng không hình dung được rằng mình có thể lọt vào chung kết Roland Garros trong hai năm kế tiếp. Năm 2013, Sharapova thua Serena, nhưng một năm sau, cô đã đánh bại Simona Halep sau một trận chung kết hấp dẫn.
Sau năm 2014, Sharapova không giành thêm một danh hiệu lớn nào nữa, nhưng dù sao, với việc đứng dậy từ nơi khó khăn nhất, cô cũng xứng đáng có một chỗ trong đài danh vọng quần vợt, một nơi dành cho “cô hổ”, chứ không phải một “cô bò”.