Derinkuyu, Thổ Nhĩ Kỳ
Vùng Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng với các thành phố dưới lòng đất. Derinkuyu là một trong những thành phố lớn nhất, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Đây là nơi ẩn náu của người dân địa phương trong thời kỳ chiến tranh. Khi bị đe dọa tấn công, hệ thống cửa đá nguyên khối sẽ khóa kín mọi lối vào thành phố. Bên trong thành phố khép kín 18 tầng là những hầm mỏ, giếng nước, bếp, trường học, máy ép dầu, nhà tắm, nhà máy rượu và không gian sống cho khoảng 20.000 người.
Các nhà sử học cho rằng người Hittites hoặc Phrygians là những người đầu tiên xây dựng thành phố này. Tuy nhiên sau này, nhóm người Kito hữu thời Byzantine đã chiếm đóng và mở rộng Derinkuyu, để lại những bức họa tuyệt đẹp trên tường và các nhà nguyện. Mặc dù có lịch sử lâu đời, nhưng mãi đến những năm 1960, người địa phương mới tình cờ phát hiện ra thành phố bí ẩn trong một lần cải tạo nhà.
Naours, Pháp
Tọa lạc ở phía Bắc nước Pháp, thành phố ngầm Naours nằm sâu hơn 30 m bên dưới rừng cao nguyên. Tại đây, có những đường hầm trải dài hàng km và hơn 300 căn phòng. Cuộc sống ở Naours bắt đầu từ thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Ban đầu, thành phố là một phần của mỏ đá dưới thời La Mã, được mở rộng thành một ngôi làng dưới lòng đất sau khi người dân bản địa sử dụng nó làm nơi trú ẩn trong suốt cuộc xâm lược thời Trung Cổ. Vào thời kỳ hoàng kim, thành phố có đủ phòng cho 3.000 cư dân, bao gồm cả nhà nguyện, chuồng gia súc, giếng nước và tiệm bánh.
Naours bị đóng cửa nhiều năm trước khi đượcmở lại vào thế kỷ thứ 19 để đón khách du lịch. Naours được xem là điểm tham quan nổi tiếng nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Khách du lịch có thể tận mắt chiêm ngưỡng hơn 2.000 bức họa trên tường của những người lính từng tham gia trận chiến Somme.
Mỏ muối Wieliczka, Ba Lan
Wieliczka là mỏ muối ngầm khổng lồ được xây dựng vào những năm 1200 ở ngoại ô Krakow, Ba Lan. Nơi đây có cả một hệ thống nhà ở của thợ mỏ, những đường hầm và dãy hành lang dài hơn 300 m. Không chỉ khai thác muối, thợ mỏ còn xây dựng nhà nguyện, đèn chùm, các bức tường và bức phù điêu, trong đó có bản sao chi tiết tác phẩm “Bữa tối cuối cùng” của danh họa nổi tiếng Da Vinci.
Wieliczka ngừng khai thác muối vào năm 2007 sau gần 700 năm hoạt động. Hiện nay khu mỏ trở thành điểm du lịch thu hút rất nhiều khách tham quan mỗi năm.
Lalibela, Ethiopia
Vào thế kỷ 12 sau Công nguyên, một vị vua sùng đạo đã ra lệnh xây dựng 11 nhà thờ công giáo ở ngôi làng Lalibela, Ethiopia. Người ta ấn tượng với Lalibela vì nó được xây dựng từ trên xuống dưới. Những người tham gia thực hiện công trình phải tách rời những phiến đá nham thạch lớn khỏi núi. Sau đó, họ đục đẽo nên tường, trần, cửa, cột trụ...
Công trình mang tính biểu tượng nhất là tòa giáo đường thánh George, tọa lạc trong hố nham thạch sâu hơn 30 m. Truyền thuyết kể rằng người ta phải mất 24 năm để hoàn thành công trình Lalibela. Nhưng nhiều nhà sử học cho rằng quá trình này phải kéo dài vài thập niên. Địa danh tôn giáo này thu hút được khoảng 100.000 lượt khách tham quan mỗi năm.
Thành phố ngầm Bắc Kinh, Trung Quốc
Vào những năm 1960 và 1970, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh xây dựng hầm trú ẩn khẩn cấp bên dưới thủ đô Bắc Kinh với mục đích phòng thủ quân sự. Được biết đến với cái tên “Dixia Cheng”, hầm trú ẩn được đào bằng tay này có thể bảo vệ gần 1 triệu người trong vòng 4 tháng.
Bên trong hầm có hệ thống đường đi vô cùng phức tạp trên diện tích hàng chục km vuông. Một vài lối đi rộng đến mức xe tăng cũng đi qua được. Ngoài ra, thành phố ngầm khổng lồ này bao gồm đầy đủ hệ thống trường học, bệnh viện, kho thóc, nhà hàng... và thậm chí là sân trượt băng, rạp chiếu phim với 1.000 chỗ ngồi. Hầm trú ẩn được mở cho khách du lịch tham quan vào đầu những năm 2000.
Petra, Jordan
Nổi tiếng với cảnh quay trong bộ phim “Idiana Jones and the Last Crusade”, Petra là một thành phố cổ nằm trong lòng núi đá phía Nam Jordan. Thời kỳ thịnh vượng của thành phố diễn ra cách đây 2.000 năm. Người Nabataeans đã dùng tay đục đẽo sa thạch xung quanh sườn đồi thành những phòng tiệc và điện thờ tuyệt đẹp.
Một trong những lăng mộ nổi tiếng nhất của Petra là Al Khazneh (nghĩa là kho báu), với chiều cao gần 40 m. Petra có thể chứa 20.000 người, nhưng bị bỏ hoang vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên. Mãi đến những năm 1800, người châu Âu mới phát hiện ra nó. Các cuộc khai quật vẫn đang được tiến hành vì các nhà khảo cổ tin rằng còn nhiều phần của thành phố vẫn chưa được khám phá.
Orvieto, Italy
Thị trấn trên đỉnh đồi Orvieto nổi tiếng với loại rượu trắng tuyệt hảo và các công trình kiến trúc đẹp như tranh vẽ. Tuy nhiên, điều làm nên sự hấp dẫn của thị trấn này lại nằm sâu dưới lòng đất. Thành phố ngầm Orvieto được xây dựng bên trong những phiến đá nham thạch khổng lồ từ thời Etruscan cổ đại. Ban đầu, dân địa phương đục đẽo đá để làm giếng và bể chứa nước. Qua hàng thế kỷ, họ mở rộng nơi đây thành một mê cung với khoảng 1.200 hang động, hành lang và đường hầm thông nhau. Bên trong, một số căn phòng được cho là hầm trữ rượu hoặc chuồng nuôi chim bồ câu - một món ăn phổ biến tại địa phương. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy máy ép ô liu thời Trung Cổ. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, thành phố ngầm Orvieto là nơi trú ẩn tránh bom của cư dân địa phương.
Burlington, Anh
Được xây dựng vào những năm 1950, Burlington là nơi trú ẩn và điều hành của các quan chức cấp cao khi có chiến tranh hạt nhân. Căn cứ ngầm rộng hơn 140.000 m2 và nằm sâu 30 m dưới thành phố Corsham.
Đây là hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại bậc nhất dưới lòng đất với các đường hầm, văn phòng làm việc, căng - tin, phòng trao đổi điện thoại, cơ sở y tế và phòng ngủ... Tất cả đều được thiết kế để giữ an toàn cho thủ tướng Anh và gần 4.000 quan chức chính phủ trong tình huống nguy hiểm.
Thậm chí, căn cứ còn có riêng một phòng thu cho đài BBC để thủ tướng có thể gửi thông điệp tới công chúng và thế giới. Dù chưa từng được sử dụng, nhưng căn cứ được duy trì hoạt động cho đến năm 2004.