Khi trục vớt tàu chở hàng 2.000 năm tuổi, người ta thu được nhiều bức tượng bằng đồng và cẩm thạch tinh xảo, vòng trang sức, đồ gốm cùng một hòm tiền xu. Giữa những thứ lấp lánh đó, ai có thể đoán được rằng cỗ máy bằng đồng nứt vỡ chỉ to bằng chiếc hộp đựng giày, trong khi phần khắc chữ đã mòn vẹt còn bánh răng bị vôi hóa, lại là một khám phá mê hoặc các nhà khoa học suốt hơn một thế kỷ.
Mãi đến gần đây, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, giới khoa học mới có thể vén bức màn bí ẩn về cỗ máy Antikythera phức tạp, được mệnh danh là chiếc máy tính tín hiệu analog đầu tiên của thế giới với khả năng tính toán các sự kiện thiên văn và mô phỏng hoạt động của vũ trụ.
Công nghệ cổ đại gây bất ngờ
Báo Washington Post năm 2016 dẫn lời ông Alexander Jones, nhà sử học chuyên ngành khoa học cổ đại tại Đại học New York (Mỹ) cho hay: “Khối kim loại nhỏ bị ăn mòn này gói gọn đủ kiến thức để lấp đầy các lỗ hổng mà chúng ta còn chưa biết về công nghệ thời cổ đại, khoa học cổ đại cũng như cách thức những thứ này tương tác với nền văn hóa thời đó. Thật khó phủ nhận rằng nó là vật thể giàu thông tin nhất từ thời cổ đại từng được các nhà khảo cổ học phát hiện”.
Ông Jones là một thành viên trong nhóm các nhà khảo cổ học, thiên văn học và sử học quốc tế tham gia giải mã bí ẩn của cỗ máy Antikythera trong hơn một thập kỷ. Kết quả nghiên cứu bằng tia X-quang đã làm sáng tỏ đáng kể nguồn gốc và mục đích của công cụ này. Cỗ máy Antikythera giống như một “lời chỉ dẫn của nhà triết học gửi đến thiên hà” như cách mà hãng tin AP ví von.
Tái tạo cỗ máy Antikythera
Tại thời điểm năm 1901, cỗ máy là một khối đồng bị nước biển ăn mòn và chỉ còn 1/3 số chi tiết sau 2.000 năm bị chôn vùi dưới đáy đại dương. Khoảng nửa thế kỷ sau đó, vào thập niên 1950, các nhà khoa học đã vận dụng sự ra đời của công nghệ tia X-quang để tìm ra manh mối đầu tiên về 30 bánh răng bằng đồng.
Tiếp đến, vào năm 2005, họ tiếp tục quét các tia X có độ phân giải cao phức tạp hơn lên những mảnh vỡ. Và sâu bên trong chúng, họ đã quan sát thấy hàng nghìn ký tự Hy Lạp cổ đại. Là người thông thạo ký tự cổ đại, nhà sử học Alexander Jones cho biết hơn 3.500 ký tự ẩn trong cỗ máy không nhằm mục đích hướng dẫn sử dụng, mà giống như tấm bảng giới thiệu đặt bên cạnh mỗi hiện vật ở bảo tàng.
Trang Live Science đưa tin, đến tận năm 2021, một nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học London
(UCL) của Anh tuyên bố họ đã tái tạo được “kỳ quan” công nghệ cổ đại này. Hiện tại, nó được phân thành 82 mảnh để hỗ trợ công tác phục dựng. Nhóm chuyên gia Anh đã lập thành công mô hình ảo của chiếc máy và đang bắt tay vào chế tạo một phiên bản thực tế. Họ đã gọi đây là một trò ghép hình vô cùng phức tạp khiến giới khoa học trên thế giới phải vật lộn hơn một thế kỷ để xếp từng mảnh lại với nhau.
Các đoạn ký tự cổ vừa được chuyển ngữ bao gồm phần mô tả về một loại lịch chỉ có ở thành phố Corinth phía Bắc Hy Lạp và những quả cầu nhỏ bé - được cho là đã mất tích dưới đáy biển - đã từng di chuyển trên mặt thiết bị để mô phỏng chuyển động thực của năm ngôi sao kể trên. Ngoài ra, phần mặt số của công cụ này báo hiệu ngày của các sự kiện thể thao khác nhau, trong đó có một cuộc thi tương đối nhỏ được tổ chức tại thành phố Rhodes thuộc Hy Lạp.
có thể đã được chế tạo tại Rhodes - một giả thuyết hợp lý khi phần lớn đồ gốm được tìm thấy trong con tàu đắm mang nét đặc trưng của thành phố đó.
Vào thời kỳ sơ khai khoảng 2.100 năm trước, cỗ máy Antiky-thera là một công cụ phức tạp, hoạt động quay vòng giống như đồng hồ, gồm ít nhất 30 bánh răng bằng đồng với hàng nghìn răng cưa nhỏ lồng vào nhau. Được hỗ trợ bởi một tay quay duy nhất, cỗ máy này đã mô hình hóa thời gian trôi qua và chuyển động của các thiên thể với độ chính xác đáng kinh ngạc. Nó có các vòng số đếm ngày theo ít nhất ba loại lịch khác nhau và một loại dùng để tính thời gian của Thế vận hội.
Các kim xoay vòng đại diện cho 5 ngôi sao (Kim tinh, Hỏa tinh, Thổ tinh, Thủy tinh và Mộc tinh) cùng Mặt trời và Mặt trăng để rồi chỉ ra vị trí của chúng trong mối quan hệ với Trái đất.
Tựu trung lại, chúng đều là những bộ phận máy móc tinh vi nhất được tìm thấy từ thời Hy Lạp cổ đại trước Công nguyên. Không có bất cứ công cụ nào giống như vậy xuất hiện trước thế kỷ 14, khi những chiếc đồng hồ có hộp số đầu tiên được chế tạo ở châu Âu. Vậy làm thế nào mà người Hy Lạp có thể phát triển công nghệ cần thiết để tạo ra vật thể đo đạc chính xác hoàn hảo đến như vậy, rồi lại để nó biến mất 1.400 năm?
Mức độ tinh xảo của cỗ máy cùng dấu vết về hai bộ chữ viết tay khác biệt trong phần bản khắc trên vỏ hộp đã khiến ông Jones tin rằng, đó là sản phẩm của một nhóm người có tay nghề cao vào khoảng thời gian từ năm 205 đến năm 87 trước Công nguyên. Rất có thể là họ đã sản xuất các công cụ tương tự. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu chưa từng phát hiện thêm cỗ máy Antikythera nào khác, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng chưa bao giờ tồn tại. Thời xưa, rất nhiều đồ chế tác bằng đồng cổ đại đã bị nấu chảy để làm phế liệu.
Có khả năng là cỗ máy Antikythera cùng những cổ vật khác đang trên đường đến một bến cảng La Mã, nơi chúng sẽ được bán cho các nhà quý tộc giàu có thích sưu tập đồ quý hiếm. Hiện các mảnh ghép của cỗ máy này cùng với những phiên bản phục dựng được trưng bày tại Bảo tàng khảo cổ quốc gia ở Athens.