Tết của người Mông Cổ được gọi là Tsagaan Sar, có nghĩa là Trăng Trắng, ngày lễ truyền thống lớn nhất nước, có từ thế kỷ 13. Người Mông Cổ thường đón Tết Tsagaan Sar bằng trang phục màu trắng, cưỡi ngựa trắng, ăn thức ăn có màu trắng làm từ sản phẩm sữa và tặng quà màu trắng cho nhau.
Tsagaan Sar trở thành tết đoàn viên, ngày mà người dân thường trở về với gia đình, thể hiện lòng tôn kính với ông bà, cha mẹ và là dịp để giới trẻ hiểu biết về truyền thống, văn hóa dân tộc, nguồn cội gia đình. Tết Trăng Trắng cũng là dịp người ta chúc mừng những người chăn thả gia súc đã vượt qua mùa đông khắc nghiệt, đón chào những ngày xuân ấm áp.
Tất bật chuẩn bị cho Tsagaan Sar
Để đón năm mới may mắn, người dân Mông Cổ luôn chuẩn bị cho mình tinh thần tích cực, lạc quan nhất, gạt bỏ mọi suy nghĩ tiêu cực. Người ta không được nghĩ xấu, nói xấu, làm xấu trong dịp Tết Tsagaan Sar. Nợ nần phải được trả hết trước năm mới và không ai được cãi vã trong dịp này vì người ta cho rằng nếu không, cả năm đấy, họ sẽ thường xuyên cãi nhau.
Để đón Tết, nhà cửa, quần áo, cơ thể cũng phải sạch sẽ. Người Mông Cổ tin rằng may mắn sẽ xuất hiện ở nơi nào sạch sẽ. Do đó, có hàng núi việc phải làm để chuẩn bị cho Tsagaan Sar. Ít nhất một tháng trước Tết, gia đình nào cũng bận rộn lau chùi nhà cửa, dọn dẹp sân vườn, sửa chữa đồ đạc hỏng trong nhà, chuẩn bị trang phục truyền thống Deel, nấu những món ăn đặc biệt để cùng thưởng thức trong ngày tết.
Nhà nào có người già thường chuẩn bị một bàn tiệc thịnh soạn, tượng trưng cho thịnh vượng, đủ đầy trong năm tới. Họ cũng chuẩn bị cả quà cho khách. Trong thời gian chuẩn bị đón Tết Tsagaan Sar, sợi dây kết nối giữa các thành viên trong gia đình, họ hàng, hàng xóm nhờ đó thêm bền chặt.
Thú vị và hấp dẫn nhất là khi chuẩn bị những món ăn đặc biệt. Đầu tiên là món bánh nhân thịt, một món bánh hấp có vỏ làm bằng bột mỏng, màu trắng. Có nhà làm tới cả vài nghìn chiếc bánh. Ở quê, mỗi khi biết có nhà đang làm bánh nhân thịt, là họ hàng và bạn bè sẽ kéo tới phụ giúp. Ngoài bánh hấp nhân thịt, người Mông Cổ còn làm cả những chiếc bánh dài làm bằng bột rồi nướng lên (loại bánh mỳ Mông Cổ này được gọi là boov). Đây là một loại bánh hình chữ nhật, bốn cạnh tròn như đế giày. Người ta thường nhìn những chiếc bánh này để đoán xem năm tới sẽ thế nào.
Người dân Mông Cổ sẽ dùng bánh boov cùng các loại đồ ăn như các loại kẹo, sữa đông khô… để xếp thành một tháp to gọi là Idee. Số tầng bánh boov dùng để xếp tháp sẽ là số lẻ. Mỗi tầng gồm bốn bánh boov, tạo thành bốn cạnh của Idee, tượng trưng cho bốn hướng. Người Mông Cổ coi số lẻ tượng trưng cho cuộc sống bắt đầu và kết thúc đều bằng hạnh phúc. Số tầng bánh tùy thuộc vào địa vị xã hội và tuổi của nam giới trong nhà. Ví dụ, Idee của nguyên thủ quốc gia có 9 tầng, của người già có 7 tầng, của gia đình trung niên có 5 tầng, của gia đình trẻ có 3 tầng. Một Idee hoàn chỉnh trông giống như mandala - hình tròn biểu tượng vũ trụ.
Bước cuối cùng là bày thịt cạnh tháp Idee. Thịt thường là thịt lưng cừu vẫn còn nguyên đuôi, được hấp cẩn thận để tránh làm cong. Người Mông Cổ cho rằng đuôi cừu càng to, càng béo thì càng ngon. Món thịt cừu hấp được chuẩn bị trước Tết Tsagaan Sar vài ngày. Người dân cũng chuẩn bị cả món đặc sản là rượu sữa ngựa (airag).
Và đêm giao thừa của Tsagaan Sar, được gọi là Bituun, nhà cửa, đồ ăn, bàn tiệc phải sẵn sàng. Bitunn rơi vào ngày 30 của tháng 12 Âm lịch. Vào ngày này, gia đình quây quần quanh ông bà, cha mẹ, thực hiện những nghi lễ đặc biệt và ăn uống thật no. Người Mông Cổ nghĩ rằng để bụng đói vào ngày này sẽ là điềm báo đói kém.
Người ta bắt đầu ăn món ăn màu trắng đặc biệt là Tsagaalga, một món ăn được trộn từ nho khô, cơm, sữa đông, bơ vàng, bột mỳ, đường, muối tạo thành một hỗn hợp sền sệt màu trắng. Sữa đông là thành phần quan trọng nhất, làm nên hương vị món ăn màu trắng này.
Nghi thức trong ngày Tsagaan Sar
Vào sáng đầu tiên của Tsagaan Sar, mọi người thường dậy rất sớm, mặc trang phục truyền thống và chuẩn bị ngôi nhà hoàn hảo trước khi Mặt Trời mọc. Phụ nữ sẽ pha bình trà sữa đầu tiên của năm mới và mang ra bên ngoài vẩy một ít về 8 phía, một tay dựng thẳng áp lên ngực và một tay cầm cái muỗng mới bóng loáng sóng sánh trà. Nam giới sẽ leo lên đỉnh đồi, đỉnh núi gần nhất để ngắm cảnh Mặt Trời mọc đầu tiên trong năm.
Cả gia đình sẽ mặc quần áo đẹp nhất để đón khách và đi thăm họ hàng. Nghi thức chào của người Mông Cổ trong Tết rất đặc biệt, được gọi là Zolgolt. Trình tự thực hiện nghi thức Zolgolt là chào người lớn tuổi nhất trước. Họ thường vắt chiếc khăn màu xanh nước biển trên hai tay trong nghi thức chào Zolgolt. Ngày này, vợ chồng kiêng kị thực hiện nghi thức Zolgolt vì quan niệm làm như vậy sẽ ly hôn hoặc gặp vận xui. Phụ nữ có thai cũng không Zolgolt vì cho rằng giới tính của em bé trong bụng có thể bị thay đổi.
Sau khi chào hỏi nhau, mọi người ngồi xuống và được mời bát trà sữa, muối và một ít bơ hoặc kem, tiếp đó là món bánh hấp nói trên. Ai quan trọng nhất (thường là người già) sẽ được mời ăn món béo ngậy nhất vì người Mông Cổ cho rằng món ăn béo nhất là ngon nhất. Mỗi cuộc thăm viếng như vậy kéo dài khoảng 30 phút. Khi khách về, gia chủ tặng quà cho mọi người để cảm ơn.
15 ngày đầu tiên năm mới có ý nghĩa quan trọng, nhưng người Mông Cổ ăn Tết Trăng Trắng chính thức trong 3 ngày. Vào ngày mùng 7 Tết, mọi người kiêng ra ngoài thăm hỏi người khác.
Kết thúc Tết Trăng Trắng, người dân Mông Cổ trở lại với cuộc sống thường nhật, mong những điều ước tốt đẹp, thuần khiết như màu trắng sẽ thành hiện thực trong năm mới.