Sau hơn 5 năm bàn thảo, TPP đã hoàn thành đàm phán và được nhìn nhận như một hiệp định thương mại có tiêu chuẩn cao nhất, có ý nghĩa tiến bộ nhất trong lịch sử. Trên thực tế, TPP sẽ tạo nên khu vực mậu dịch tự do lớn nhất toàn cầu với khoảng 800 triệu dân và chiếm khoảng 40% tổng lượng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong số 12 thành viên TPP hiện nay, người ta không thấy sự hiện diện của Trung Quốc, nước có quy mô kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Xuất khẩu Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực sau khi TPP có hiệu lực. Ảnh: AFP |
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Mã Tuấn thuộc Cục Nghiên cứu, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC-Ngân hàng Trung ương Trung Quốc), nếu Trung Quốc không tham gia TPP, các ngành nghề như dệt may, thời trang và điện tử của nước này sẽ đánh mất cơ hội phát triển. Trong một bài viết cùng với đồng sự đăng trên tờ “Chứng khoán Thượng Hải” vào cuối tuần qua, Mã Tuấn cho biết các nước như Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan đều có khả năng tham gia TPP. Nếu trong 4 năm tới “đại TPP” gồm 12 nước thành viên TPP hiện nay cộng thêm 3 nước nêu trên hình thành mà Trung Quốc không tham gia, nước này sẽ gánh chịu tổn thất tương đương 2,2% GDP.
Quả thật, TPP được cho là sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế đang trong “trạng thái bình thường mới” của Trung Quốc. Trực tiếp nhất có lẽ là việc doanh nghiệp vốn nước ngoài sẽ chuyển hướng sang đầu tư ở các nước thành viên TPP. Thậm chí, vì sự phát triển của mình, một số doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ đưa công xưởng sang đặt tại các nước thành viên TPP. Trên thực tế, việc này đã sớm xảy ra và thời gian qua được minh chứng phần nào qua việc dòng vốn nước ngoài đang có xu hướng chảy mạnh khỏi Trung Quốc và việc doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực dệt may, đầu tư xây dựng nhà máy ở các nước thành viên TPP, bao gồm cả Việt Nam. Ở khía cạnh liên quan, sau khi TPP hoàn thành, Mỹ sẽ mở cửa thị trường với các đối tác trong TPP, nhờ lợi thế về thuế quan, sản phẩm của nhiều nước có thể sẽ thay thế hàng hóa do Trung Quốc chế tạo, càng làm trầm trọng hơn đà lao dốc về xuất khẩu của Trung Quốc. Nhưng, đó có thể chưa phải là vấn đề quan trọng nhất.
Việc Trung Quốc khởi xướng thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa kinh tế Đông Á hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…, được nhìn nhận như hành động thách thức vị trí bá quyền kinh tế của Mỹ. Nhưng dư luận cho rằng việc TPP hoàn thành kí kết sẽ giúp Mỹ tăng cường quyền chủ đạo trong hệ thống kinh tế quốc tế, thiết lập nên phòng tuyến mới trước sự thách thức của Trung Quốc đối với địa vị của Mỹ ở Đông Á cũng như trên toàn cầu. TPP đồng thời cũng có thể làm giảm bớt động lực nhất thể hóa kinh tế Đông Á do Trung Quốc và các nước ASEAN chủ đạo. Bởi vì các nước thành viên TPP như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam đều là những quốc gia quan trọng tham gia vào tiến trình nhất thể hóa kinh tế Đông Á. Sau khi trở thành thành viên TPP, những nước này rất khó có thể tiếp tục duy trì mong muốn mạnh mẽ đối với tiến trình nhất thể hóa kinh tế Đông Á. Hơn nữa, các thành viên TPP sẽ còn tiếp tục được mở rộng, cho nên, áp lực đối với tiến trình nhất thể hóa kinh tế Đông Á sẽ tăng lên.
Quá trình hình thành RCEP, một cơ cấu kinh tế khu vực khác do Trung Quốc làm nước thúc đẩy chủ yếu, cũng sẽ bị ảnh hưởng. Có thông tin nói rằng TPP được kí kết sẽ kích thích Trung Quốc nỗ lực hơn nữa để có thể đạt được RCEP trong năm 2015. Nhưng phải thấy rằng một số nước tham gia đàm phán RCEP cũng là thành viên TPP như Nhật Bản, Australia, New Zealand. Quan trọng hơn, RCEP không thể thay thế TPP bởi cuối cùng RCEP có thể sẽ chỉ là một hiệp định có tiêu chuẩn rất thấp (không mở cửa thị trường mạnh mẽ như TPP). Phát biểu trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) mới đây, nhà nghiên cứu kinh tế và phát triển toàn cầu Joshua Meltzer thuộc Viện Brookings (Mỹ) cho rằng một phần nguyên nhân nằm ở Ấn Độ. New Dehli rất lo lắng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cho nên rất cẩn trọng và không muốn tạo điều kiện dễ dàng hơn để dịch vụ cùng hàng hóa Trung Quốc tiến vào thị trường Ấn Độ.
TPP ra đời, không chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại đa phương, mà ngay cả các Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) song phương do Trung Quốc thúc đẩy cũng phải đối mặt với khó khăn mới. Không thể phủ nhận việc ký kết FTA với các nước sẽ giúp Trung Quốc hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực từ TPP đối với nước này. Vấn đề là liệu rằng Trung Quốc có thuyết phục được tất cả các nước ký FTA với mình đưa mức thuế suất về gần bằng 0 đối với tuyệt đại đa số các mặt hàng như các nước TPP dành cho nhau sau khi hiệp định này có hiệu lực? Bên cạnh đó, dù Trung Quốc có ký FTA được với tất cả các nước TPP, theo quy định về xuất xứ hàng hóa, những sản phẩm sử dụng linh kiện của Trung Quốc cũng không được hưởng ưu đãi thuế quan khi tiến vào thị trường nước thứ ba trong TPP. Đây cũng là một trở ngại không nhỏ, buộc các doanh nghiệp phải tính tới.
Nói tóm lại, giống như Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Thời Ân Hoằng đã nói TPP được ký kết khiến các nước không tham gia đàm phán mất đi cơ hội định ra tiêu chuẩn thương mại tương lai. Hiện nay, luật chơi đã được định ra, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hai lựa chọn: một là tuân thủ các quy tắc ấy, hai là xây dựng bộ quy tắc mới. Nhưng cho dù thế nào, vị Giáo sư thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc này cho rằng lần này Mỹ đã thắng một hiệp và Trung Quốc đang trong tình cảnh tương đối bị động. Hiện nay, Trung Quốc chỉ còn cách thúc đẩy cải cách kinh tế toàn diện mới có thể có cơ hội sớm tham gia vào quá trình đề ra quy tắc kinh tế thương mại toàn cầu.