Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, trong nghiên cứu đăng trên nền tảng SSRN tháng 9, các nhà nghiên cứu Samantha Vortherms và Jiakun Jack Zhang đã cho rằng việc Mỹ áp đặt thuế quan trị giá hàng tỷ đô la lên hàng hóa Trung Quốc từ giữa năm 2018 để khiến công ty Mỹ quay về nước đã gây tổn thương nền kinh tế Mỹ, không thành công trong ép Trung Quốc thay đổi chính sách kinh tế.
Bất chấp cuộc chiến thuế quan “ăn miếng trả miếng” và căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia, các doanh nghiệp ở hai nước vẫn có mối liên quan sâu sắc với nhau và đầu tư nước ngoài chảy vào Trung Quốc vẫn đạt kỷ lục 144,4 tỷ USD năm 2020.
Theo bà Vortherms (Đại học California ở Irvine) và Zhang (Đại học Kansas), có thêm 46% công ty con có vốn Mỹ ở Trung Quốc đóng cửa năm 2018 so với năm trước đó, nhưng chưa đầy 1% trong số đó đóng cửa do thuế quan của Mỹ.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy công ty Mỹ và của các đồng minh không có xu hướng rời Trung Quốc… Thay vào đó, các doanh nghiệp rời đi sau khi tính toán giữa rủi ro chính trị gia tăng và nguồn lực sẵn có để giảm nhẹ các rủi ro này”.
Nghiên cứu trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đang rà soát sâu rộng chính sách của Mỹ với Trung Quốc, trong đó có cả chiến lược áp đặt thuế quan với Trung Quốc từ thời chính quyền trước.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng cho rằng thuế quan Mỹ áp đặt với hàng Trung Quốc thực ra là đánh thuế người tiêu dùng Mỹ và thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã ký với Trung Quốc hồi tháng 1/2020 không giải quyết được vấn đề mà Mỹ muốn.
Nghiên cứu cũng cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đã không vận động chống lại thuế quan của chính phủ Mỹ như Trung Quốc hy vọng. Trong số 500 tập đoàn đa quốc gia của Mỹ có công ty con ở Trung Quốc, 63% bị ảnh hưởng tiêu cực trong chiến tranh thương mại, nhưng chỉ 22% lên tiếng phản đối và 7% quyết định rời Trung Quốc.
Theo nghiên cứu, mức độ phân tách hai nền kinh tế trong thực tế lại không lớn như kỳ vọng của các chính trị gia. Không có mấy bằng chứng cho thấy các tập đoàn đa quốc gia Mỹ thể hiện vai trò trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung Quốc bằng cách từ bỏ Trung Quốc vì lòng yêu nước.
Hậu quả phần lớn do các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp mới đối với thị trường Trung Quốc gánh chịu. Ví dụ như các doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ phải mua nguyên liệu thô từ Trung Quốc với giá cao hơn trước.
Hai nhà nghiên cứu trên cũng cho biết kết quả nghiên cứu của họ đi ngược lại với khẳng định của đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai, rằng thuế quan sẽ tạo lợi thế để chống Trung Quốc.
Hồi tháng 1, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính quyền Tổng thống Biden sẽ xem xét lại thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung. Chính quyền của ông Biden sẽ tập trung tiếp cận mối quan hệ Mỹ-Trung "từ một vị thế mạnh mẽ”.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 1/2020. Thỏa thuận này giúp xoa dịu cuộc chiến thương mại kéo dài gần 18 tháng giữa hai nước, vốn khiến hàng trăm tỷ USD hàng hóa của Mỹ và Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi thuế quan ăn miếng trả miếng, đồng thời làm chậm hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo thỏa thuận, Bắc Kinh cam kết sẽ chi thêm 200 tỷ USD để tăng cường hoạt động mua nông sản và sản phẩm chế tạo, năng lượng cùng dịch vụ của Mỹ so với mức năm 2017 trong vòng hai năm. Tuy nhiên, một báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson công bố trong tháng 1/2021 cho thấy hoạt động mua hàng hóa Mỹ vào năm 2020 của Trung Quốc đã giảm 42% so với cam kết mà Bắc Kinh đưa ra trong thỏa thuận giai đoạn một.