Theo tờ Politico của Mỹ ngày 27/8, trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga tiếp diễn chưa có hồi kết, Ukraine đang đứng trước một mùa Đông khắc nghiệt với những dự đoán về khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Chính phủ Ukraine đã quyết định đẩy mạnh kế hoạch tăng gấp đôi số lò phản ứng hạt nhân do Nga sản xuất, bất chấp sự phản đối từ các nhà lập pháp trong nước và nguy cơ về chi phí leo thang.
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Politico rằng nước này vẫn quyết tâm theo đuổi dự án mở rộng nhà máy điện hạt nhân Khmelnytskyi tại miền Tây Ukraine. Cụ thể, họ dự định mua lại hai lò phản ứng VVER-1000 từ Bulgaria, những lò phản ứng đã bị bỏ hoang sau khi Sofia từ bỏ kế hoạch triển khai. Bộ trưởng Galushchenko nhấn mạnh: "Hệ thống năng lượng của chúng tôi chịu được áp lực này trước hết là nhờ năng lượng hạt nhân", lưu ý rằng năng lượng hạt nhân sẽ là nền tảng cho sự phục hồi của Ukraine trong và sau xung đột.
Tuy nhiên, kế hoạch này không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ Quốc hội Ukraine. Nhiều nghị sĩ, trong đó có cả những người thuộc Đảng Người phục vụ Nhân dân của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho rằng việc đầu tư vào các lò phản ứng hạt nhân cũ của Nga không phải là cách hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng hiện nay. Họ đề xuất rằng nguồn ngân sách lớn này nên được sử dụng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, vốn có thể đem lại hiệu quả nhanh chóng hơn.
Nhiều nghị sĩ quốc hội cũng bày tỏ lo ngại về việc chi phí cho dự án có thể tăng vọt và có nguy cơ mở đường cho tham nhũng.
Bất chấp sự phản đối từ Quốc hội, Bộ trưởng Galushchenko vẫn khẳng định rằng ông sẽ tiếp tục làm việc với các nhà lập pháp để thúc đẩy dự án này. Ông nhấn mạnh: "Đây là một dự án rất quan trọng đối với chúng tôi và tôi tin tưởng rằng quốc hội sẽ thông qua luật này".
Vấn đề đáng chú ý là việc mua lại các lò phản ứng không mang lại bất kỳ lợi nhuận nào cho Nga. Hai lò phản ứng này được Bulgaria mua hơn một thập kỷ trước, nhưng đã bị gác lại khi kế hoạch triển khai không thành công. Kể từ đó, Bulgaria đã ký kết hợp tác với công ty Westinghouse của Mỹ để mở rộng nhà máy điện hạt nhân Kozloduy, một bước đi nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ và năng lượng của Nga.
Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã bị tàn phá nặng nề bởi các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái của Nga trong những tháng gần đây. Nhiều nhà máy điện, trạm biến áp và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác đã bị hư hại, khiến Ukraine phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu điện từ Liên minh châu Âu để bù đắp tình trạng thiếu hụt. Bộ trưởng Galushchenko cảnh báo rằng nước này đang đứng trước một mùa Đông "khắc nghiệt nhất trong lịch sử," với nguy cơ thiếu hụt năng lượng ngày càng lớn.
Với tình hình căng thẳng như hiện nay, việc Ukraine đặt cược vào năng lượng hạt nhân có thể xem là một "con dao hai lưỡi". Mặc dù đây có thể là một giải pháp tạm thời để đối phó với tình trạng khủng hoảng năng lượng, nhưng rủi ro về chi phí và nguy cơ tham nhũng vẫn là những thách thức không nhỏ.