Theo tờ Politico, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố ngày 14/8 rằng, sẽ là "không chính đáng và phi lý" nếu chính quyền quân sự của Niger xúc tiến kế hoạch truy tố Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum về tội phản quốc liên quan đến các giao dịch của ông với các nhà lãnh đạo và tổ chức nước ngoài.
Người phát ngôn của chính quyền quân sự Niger, Đại tá Amadou Abdramane cho biết, các nhà chức trách quân sự đã “thu thập bằng chứng cần thiết” để truy tố ông Bazoum “về tội phản quốc và phá hoại an ninh bên trong và bên ngoài của Niger”. Tuyên bố này được đưa ra trên đài truyền hình nhà nước vào tối 13/8 theo giờ địa phương.
Chính quyền quân sự hiện đã tiếp quản toàn bộ quyền lực ở quốc gia vùng Sahel của châu Phi sau cuộc đảo chính vào cuối tháng 7 vừa qua.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói với các phóng viên ngày 14/8: “Hành động này hoàn toàn không có cơ sở và phi lý, và thẳng thắn mà nói, nó sẽ không góp phần giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng này”.
Ông Patel nhấn mạnh thêm: “Theo quan điểm của chúng tôi, đó là một sự sỉ nhục hơn nữa đối với nền dân chủ và công lý cũng như sự tôn trọng pháp quyền, và một mối đe dọa như thế này nhấn mạnh tính cấp bách của việc tôn trọng trật tự hiến pháp ở Niger.”
Mối đe dọa mới nhất đối với Tổng thống bị lật đổ của Niger - hiện đang bị giam giữ, xảy ra theo sau cảnh báo của chính quyền quân sự vào tuần trước rằng họ sẽ giết ông Bazoum nếu Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) tìm cách khôi phục quyền lực cho ông ta thông qua con đường vũ lực quân sự.
Trong bối cảnh phương Tây và các nước láng giềng lo lắng về số phận của Niger, Bộ Ngoại giao Mỹ đã không loại trừ việc hỗ trợ sử dụng lực lượng quân sự nếu cần.
“ECOWAS đã công khai rất rõ ràng rằng can thiệp quân sự nên là phương án cuối cùng, điều mà chúng tôi đồng ý và chúng tôi tiếp tục tập trung vào việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao", người phát ngôn Patel nói.
Hôm 10/8, ECOWAS đã tuyên bố đặt lực lượng thường trực trong tình trạng sẵn sàng can thiệp quân sự vào Niger, trong đó Nigeria, Benin, Senegal và Bờ Biển Ngà là các quốc gia chủ trương lựa chọn giải pháp quân sự.
Nhưng đến nay, vẫn chưa rõ khi nào ECOWAS sẽ triển khai quân đội, hoặc triển khai theo cách nào. Quá trình chuẩn bị của ECOWAS có thể diễn ra trong vài tuần hoặc vài tháng. Trong khoảng thời gian này, phe đảo chính ở Niger đang tỏ ra chiếm ưu thế - theo các nhà phân tích phát biểu với hãng tin AP.
"Có vẻ như phe đảo chính đã thắng thế và họ sẽ tiếp tục nắm quyền. Phe đảo chính đang chiếm ưu thế, củng cố quyền lực", ông Ulf Laessing, người đứng đầu chương trình Sahel thuộc Quỹ Konrad Adenauer có trụ sở ở Đức, nhận định.
Theo chuyên gia này, ECOWAS có thể sẽ không can thiệp quân sự vì không đảm bảo có thể đạt mục tiêu chớp nhoáng và nguy cơ Niger chìm trong nội chiến kéo dài: "ECOWAS và phương Tây không can thiệp nếu không chắc chắn. Thay vào đó, họ có thể hối thúc chính quyền quân sự đồng ý đặt ra thời hạn chuyển giao quyền lực trong hòa bình".