Brazil, một trong những thị trường mới nổi nhanh nhẹn và tích cực nhất trong việc tăng lãi suất, đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo tờ Financial Times, Mỹ Latinh đã gặt hái thành công nhờ hành động nhanh hơn các quốc gia Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) trong cuộc chiến chống lạm phát.
Ngân hàng trung ương Banco Central do Brasil của Brazil tối 2/8 đã thông báo hạ lãi suất 0,5%, đưa lãi suất chuẩn cho vay xuống 13,25%. Con số này lớn hơn so với mức 0,25% mà hầu hết các nhà kinh tế dự báo. Ngân hàng trên còn báo hiệu rằng họ có thể giảm thêm lãi suất trong những tháng tới.
Tuần trước, Chile đã trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trong khu vực giảm lãi suất cho vay sau đại dịch COVID-19, cắt giảm 1% còn 10,25%.
Ernesto Revilla, nhà kinh tế trưởng khu vực Mỹ Latinh tại ngân hàng Citibank ở New York, cho biết: “Ngay cả khi cuộc chiến chống lạm phát chưa kết thúc, các ngân hàng trung ương Mỹ Latinh vẫn có thể giành chiến thắng. Họ nổi bật trong cuộc chiến này bằng kỷ luật, quyền tự chủ với cam kết và thông tin rõ ràng. Chính sách tiền tệ ở các nước “lạm phát mục tiêu” - Chile, Brazil, Mexico, Peru và Colombia - đang cho thế giới một bài học”.
Trong loạt động thái nghiêm ngặt bắt đầu vào tháng 3/2021, các nhà thiết lập lãi suất của Brazil đã nâng lãi suất cơ bản từ mức thấp nhất mọi thời đại là 2% nhằm chống tác động lạm phát của chi tiêu công hào phóng, đồng thời cắt giảm lãi suất từng được tung ra để đối phó với khủng hoảng dịch bệnh. Mai một năm sau đại dịch, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thậm chí còn hành động chậm hơn khi lần đầu tiên thắt chặt chính sách vào tháng 7 năm ngoái.
Brazil tăng lãi suất sớm đã có lợi ích rõ ràng trong chống lạm phát. Sau khi đạt đỉnh ở mức hai con số thấp, tăng trưởng giá tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này đã giảm xuống 3,2% trong 12 tháng tính đến tháng 6, thấp hơn mục tiêu chính thức của năm nay.
Tại Chile, lạm phát hàng năm là 7,6%, gần bằng một nửa so với mức cao nhất 14,1% được ghi nhận vào tháng 8 năm ngoái.
“Trớ trêu thay, Mỹ Latinh lại thành công hơn bởi vì các ngân hàng trung ương không có được sự tín nhiệm như Fed và không có quyền nói: 'À, đây chỉ là một hiện tượng nhất thời, lạm phát sẽ tự tăng và giảm’. Fed đã chậm một năm trong cuộc chơi”, chuyên gia Claudio Irigoyen, trưởng bộ phận kinh tế toàn cầu tại Bank of America ở New York, chia sẻ.
Chính sách thắt chặt tiền tệ của Brazil có thể đã hạn chế nền kinh tế, nhưng nó không giết chết tăng trưởng. Các nhà kinh tế đang nâng mức dự báo sau khi quý đầu tiên tăng trưởng bất ngờ đối với lĩnh vực nông nghiệp then chốt. Và ngân hàng Citibank dự kiến tổng sản phẩm quốc nội sẽ tăng 2,3% trong năm nay.
Nhà kinh tế trưởng Cristiano Oliveira tại công ty cho vay thương mại Banco Pine ở São Paulo nhận định, việc cắt giảm lãi suất trong tháng này về mặt kỹ thuật là quyết định đúng đắn nhất.
Ông nói: “Các biện pháp lạm phát cơ bản đã dẫn đến sự giảm tốc mạnh mẽ, cho thấy chính sách tiền tệ đã thành công. Ngân hàng trung ương đã nhận ra trước rằng thành phần chính của lạm phát là nhu cầu mạnh mẽ và do đó chính sách tiền tệ nên được thắt chặt”.
Mặc dù báo hiệu bắt đầu một chu kỳ nới lỏng tiền tệ “dần dần”, nhưng Banco Central do Brasil vẫn cảnh báo rằng lạm phát sẽ tăng trong nửa cuối năm nay.
Một số nhà kinh tế khác lại cho rằng Brazil có thể đã hành động quá vội vàng. Ông Alexandre Soriano, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại công ty Bahia Asset Management, cho biết: “Lạm phát dịch vụ vẫn ở mức cao, kỳ vọng lạm phát vẫn chưa hoàn toàn ổn định và thị trường lao động không hề chững lại”.
Mexico, nền kinh tế lớn thứ hai của Mỹ Latinh, phải đối mặt với một thách thức khác. Mối liên quan chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ khiến lạm phát hàng đầu ở mức cao 5,1% trong năm tính đến tháng 6. Chuyên gia Irigoyen cho biết: “Lạm phát ở Mexico vẫn còn khá khó khăn, đặc biệt là lạm phát dịch vụ”.
Các nhà kinh tế dự báo Ngân hàng trung ương Mexico sẽ hoãn cắt giảm lãi suất cho đến tháng 12 và sau đó sẽ chỉ cắt giảm 0,25%.
Argentina nổi bật như một ngoại lệ trong số các nền kinh tế lớn của Mỹ Latinh. Việc chính phủ in tiền để chi tiêu công và tỷ giá hối đoái đã đẩy lạm phát lên hơn 115% một năm. Lãi suất có hiệu lực ở mức hàng năm là 155%.
Eric Parrado, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ ở Washington, đã ca ngợi phản ứng nhanh chóng và hiệu quả của các ngân hàng trung ương Mỹ Latinh đối với lạm phát. Nhưng ông vẫn đưa ra cảnh báo về việc cắt giảm lãi suất quá mức.
Ông nói: “Các ngân hàng trung ương chưa thể tuyên bố chiến thắng. Họ phải cẩn thận vì vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về việc liệu các biện pháp lạm phát cơ bản, không tính đến chi phí năng lượng và lương thực, có thiết lập một xu hướng giảm rõ ràng hay không”.