Cách tiếp cận khác nhau giữa Thượng viện và Hạ viện Mỹ với 'siêu dự luật' của ông Trump

Đảng Cộng hòa tranh cãi về kế hoạch triển khai chương trình nghị sự của ông Trump: Hạ viện muốn gộp tất cả vào một gói lớn, trong khi Thượng viện đề xuất tách thành hai dự luật riêng biệt.

Chú thích ảnh
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Wall Street Journal ngày 6/1, dù nắm quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội, đảng Cộng hòa đang gặp khó khăn trong việc thống nhất cách thức triển khai chương trình nghị sự của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Sự chia rẽ này thể hiện rõ qua các đề xuất trái chiều giữa lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện về tốc độ cũng như phạm vi của các dự luật sắp tới.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đề xuất gộp tất cả ưu tiên lập pháp của ông Trump thành một gói duy nhất, dự kiến được đưa ra biểu quyết vào đầu tháng 4 tới. Theo ông Johnson, chiến lược này sẽ giúp đảng Cộng hòa duy trì sự đoàn kết vì "không ai sẽ thích mọi yếu tố của một gói lớn như vậy, nhưng sẽ có đủ các yếu tố trong đó để kéo mọi người theo".

Ngược lại, phe Thượng viện do Lãnh đạo đa số John Thune dẫn đầu lại ủng hộ cách tiếp cận thận trọng hơn với hai dự luật riêng biệt. Họ muốn ưu tiên chi tiêu cho an ninh biên giới trong một dự luật được nhanh chóng thông qua, sau đó mới xem xét các vấn đề về thuế và chi tiêu khác.

Ông Trump đã công khai ủng hộ đề xuất của Hạ viện trong một bài đăng trên mạng xã hội tối 5/1. Ông kêu gọi một "dự luật mạnh mẽ" bao gồm các biện pháp về an ninh biên giới, chính sách năng lượng và cắt giảm thuế.

Đặc biệt, Tổng thống đắc cử Trump nhấn mạnh các khoản thiếu hụt sẽ "được bù đắp bằng thuế quan" mà không đề cập đến việc cắt giảm chi tiêu các chương trình xã hội như Medicaid (chương trình bảo hiểm y tế công nhằm mục đích chăm sóc sức khoẻ cho cá nhân và gia đình có mức thu nhập thấp tại Mỹ) hay tem phiếu thực phẩm.

“Đảng Cộng hòa phải đoàn kết và nhanh chóng mang lại những chiến thắng lịch sử này cho người dân Mỹ. Hãy thông minh, cứng rắn và gửi dự luật đến bàn làm việc của tôi để ký càng sớm càng tốt", ông Trump viết.

Tuy nhiên, kế hoạch này đang gặp phải nhiều thách thức. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham bày tỏ lo ngại: "Nếu chúng ta không đặt biên giới lên hàng đầu và thực hiện được điều đó, thì an ninh quốc gia sẽ trở thành cơn ác mộng". Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Ron Johnson tỏ ra thận trọng về việc tăng trần nợ - hiện đã vượt 36 nghìn tỷ USD, tăng hơn 16 nghìn tỷ USD kể từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Lịch sử cho thấy những tham vọng vội vã thường kết thúc với các mục tiêu nhỏ hơn nhiều. Năm 2017, đảng Cộng hòa đã mất nhiều tháng cố gắng bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng nhưng thất bại. Tương tự, chương trình "Xây dựng lại tốt hơn" đầy tham vọng của Tổng thống Biden năm 2021 cũng phải thu hẹp quy mô đáng kể trước khi được thông qua.

Với đa số mong manh tại Hạ viện và chỉ nắm 53/100 ghế tại Thượng viện, đảng Cộng hòa có rất ít dư địa để thực hiện tham vọng. Họ dự định sử dụng một công cụ thủ tục đặc biệt để vượt qua ngưỡng 60 phiếu tại Thượng viện. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các nhóm lợi ích khác nhau - từ những người ủng hộ tăng chi tiêu quốc phòng đến những người muốn cắt giảm thâm hụt - sẽ là một thách thức lớn.

Ông Trump dự kiến sẽ tiếp đón các nhóm đảng viên Cộng hòa tại Câu lạc bộ Mar-a-Lago vào cuối tuần tới để thảo luận về các bước đi tiếp theo. Điều này có thể sẽ định hình cách thức đảng Cộng hòa triển khai chương trình nghị sự trong thời gian tới, trước khi Quốc hội Mỹ họp phiên chung để chứng nhận chiến thắng bầu cử của ông.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo wsj.com)
Ông Trump và tham vọng định hình lại bản đồ địa chính trị thế giới năm 2025
Ông Trump và tham vọng định hình lại bản đồ địa chính trị thế giới năm 2025

Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", ông Trump đặt mục tiêu tái định hình trật tự thế giới, khôi phục vị thế Mỹ và ứng phó với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc và Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN