Bất đồng mới nổ ra vào ngày 14/10, khi Bộ Ngoại giao Ấn Độ xác nhận họ đã nhận được thông báo từ Canada. Phía Canada đề cập rằng các nhà ngoại giao Ấn Độ đang được coi là "những người đáng quan tâm" liên quan đến một cuộc điều tra tại quốc gia Bắc Mỹ này.
Trước đó, căng thẳng giữa New Delhi và Ottawa leo thang vào tháng 9/2023 khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau cáo buộc các đặc vụ của chính phủ Ấn Độ liên quan đến vụ sát hại một thủ lĩnh ly khai người Sikh trên lãnh thổ Canada.
Nhà lãnh đạo Canada cho rằng Ấn Độ có liên quan đến vụ sát hại ông Hardeep Singh Nijjar, thủ lĩnh phong trào Khalistan của người Sikh. Phong trào Khalistan chủ trương muốn thành lập một nhà nước có chủ quyền ở vùng Punjab của Ấn Độ.
Nijjar là công dân Canada, sinh ra tại Ấn Độ. Ông này bị sát hại vào tháng 6/2023 tại Vancouver. Trong nhiều năm, New Delhi khẳng định Nijjar có dính líu tới khủng bố. Tuy nhiên, ông này đã bác bỏ cáo buộc. Về phần mình, Ấn Độ đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc liên quan đến cái chết của ông Nijjar.
Căng thẳng lại bùng phát vào tháng 5/2024 khi cảnh sát Canada cho biết họ đã bắt giữ ba nam công dân Ấn Độ - bị cáo buộc có liên quan đến vụ giết Nijjar. RCMP khi đó nhấn mạnh họ cũng đang điều tra xem những người này có liên hệ với chính phủ Ấn Độ hay không. Một người đàn ông thứ tư, cũng là công dân Ấn Độ, đã bị bắt và bị buộc tội giết ông Nijjar vào cuối tháng đó.
Sau khi cáo buộc của Canada lần đầu tiên được công khai, hai nước đã rút các nhà ngoại giao của mình và Ấn Độ cũng đóng băng các dịch vụ ngoại giao dành cho người Canada.
Căng thẳng lại bùng phát vào tháng 5/2024 khi cảnh sát Canada cho biết họ đã bắt giữ ba nam công dân Ấn Độ - bị cáo buộc có liên quan đến vụ giết Nijjar. RCMP khi đó nhấn mạnh họ cũng đang điều tra xem những người này có liên hệ với chính phủ Ấn Độ hay không. Một người đàn ông thứ tư, cũng là công dân Ấn Độ, đã bị bắt và bị buộc tội giết ông Nijjar vào cuối tháng đó.
Đến ngày 14/10 vừa qua, New Delhi nhắc lại rằng họ mạnh mẽ bác bỏ "những lời buộc tội vô lý" từ Canada và sẽ rút các nhà ngoại giao cùng các quan chức khác khỏi nước này.
Nhưng vài giờ sau, chính phủ Canada cho biết cảnh sát liên bang đã nắm được bằng chứng cho thấy các điệp viên Ấn Độ có liên quan đến các hoạt động đe dọa đến an toàn công cộng ở Canada. Ottawa tuyên bố sẽ trục xuất 6 nhà ngoại giao Ấn Độ.
Cáo buộc từ Canada
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 14/10 khẳng định rằng Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) đã nắm được bằng chứng rõ ràng và thuyết phục chứng minh đặc vụ chính phủ Ấn Độ đã và đang tham gia vào các hoạt động đe dọa đến an toàn công cộng tại nước này.
RCMP thông báo: "Bằng chứng này đã được trình trực tiếp cho các quan chức Chính phủ Ấn Độ. Chúng tôi đã đề nghị họ hợp tác để ngăn chặn bạo lực và yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật của hai nước phối hợp để giải quyết những vấn đề này”.
Bộ Ngoại giao Canada, sau đó thông báo về việc trục xuất 6 nhà ngoại giao và viên chức lãnh sự Ấn Độ, trong đó có Cao ủy Ấn Độ tại Canada, liên quan đến một chiến dịch “có mục tiêu chống lại công dân Canada do các điệp viên của chính phủ Ấn Độ thực hiện".
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada Melanie Joly còn nói rằng các nhà ngoại giao Ấn Độ bị trục xuất có liên quan đến vụ án Nijjar.
Phản hồi của Ấn Độ
Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc của Canada. Ngày 14/10. Cơ quan này nghi ngờ về một chiến lược cố ý bôi nhọ Ấn Độ để đạt được lợi ích chính trị.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng cho biết phía Canada không chia sẻ một chút bằng chứng nào với New Delhi. Sau đó, bộ này đã triệu tập đại biện lâm thời của Canada tại Ấn Độ để thông báo rằng "việc nhắm mục tiêu vô căn cứ vào Cao ủy Ấn Độ và các nhà ngoại giao, quan chức khác tại Canada là hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Sau đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông báo trục xuất 6 nhà ngoại giao Canada khỏi nước này, bao gồm cả quyền cao ủy, và cho họ thời hạn đến hết ngày 19/10 để xuất cảnh.
Trước dây, Ấn Độ từng đề nghị các quốc gia như Canada, Australia và Anh có hành động pháp lý đối với những nhà hoạt động đạo Sikh. Ấn Độ đặc biệt bày tỏ lo ngại với Canada, nơi người theo đạo Sikh chiếm gần 2% dân số.
Giáo sư Stephanie Carvin tại Đại học Carleton (Canada), đánh giá những cáo buộc mới nhất của Canada là rất nghiêm trọng và có nguy cơ cản trở thêm mối quan hệ với Ấn Độ. Bà cho rằng điều đó "đưa Canada vào thế khó".
Bà phân tích với Al Jazeera: "Chúng ta đang ở thời điểm mà các quốc gia trên khắp thế giới như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Australia... đang cố gắng phát triển mối quan hệ của họ với Ấn Độ. Điều này khiến Canada mất uy tín với tất cả các đồng minh khác”.
Trên thực tế, bà Carvin cũng lưu ý rằng Canada là nơi sinh sống của một lượng lớn dân số gốc Nam Á và nhiều du học sinh Ấn Độ cũng đang học tập tại quốc gia này. Bà lập luận: "Những công dân Ấn Độ này, cần các dịch vụ lãnh sự, họ cần đại diện ngoại giao tại quốc gia này".