Lo ngại về việc Mỹ sẽ giảm sự hỗ trợ cho Ukraine nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2024, các nước châu Âu như Anh đang khẩn trương xây dựng năng lực để duy trì khả năng phòng thủ độc lập của Ukraine trước Nga, nhật báo The Times của Anh mới đây đưa tin.
Cụ thể, The Times dẫn một nguồn tin cấp cao trong Chính phủ Anh cho biết các đối tác của Ukraine ở châu Âu đang tích cực lập chiến lược để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga mà không phụ thuộc vào Mỹ, trong trường hợp ông Trump có khả năng trở lại nắm quyền.
Những nước này đang tìm cách tăng cường khả năng sản xuất quốc phòng trên khắp châu Âu để có thể bổ sung vũ khí và đạn dược cho Ukraine. Mục tiêu là duy trì khả năng của Ukraine để tiếp tục đẩy lùi các lực lượng Nga, ngay cả khi đối mặt với sự suy giảm sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ dưới thời Donald Trump.
The Times cho biết các nhà lãnh đạo tình báo quân sự Anh đánh giá rằng Ukraine thiếu nhân lực và vũ khí cần thiết để giành chiến thắng quan trọng trên chiến trường trước Nga vào năm 2024. Ngược lại, quân đội Nga cũng được coi là không có khả năng tiến hành một cuộc tấn công đáng kể nhằm chọc thủng hệ thống phòng thủ của Ukraine.
Tuy nhiên, giới chức châu Âu lo ngại Mỹ sẽ không còn ủng hộ Ukraine nếu cựu Tổng thống Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024. Cựu Tổng thống Trump từng nói rằng ông có thể chấm dứt chiến tranh Ukraine, dù trước đó ông đã gửi đi những tín hiệu trái chiều khi trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên phê chuẩn việc viện trợ “vũ khí sát thương” (tên lửa chống tăng Javelin vào năm 2017) cho Kiev.
Nguồn tin của Anh trên nói với tờ The Times rằng châu Âu phải tiếp tục cuộc chiến ủy nhiệm ngay cả khi Mỹ không tham gia. “Liệu châu Âu có rút lui chỉ vì (Tổng thống Mỹ tiềm năng) Trump nói không có thêm viện trợ cho Ukraine? Tôi nghĩ hầu hết đều nhận ra rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không được phép giành chiến thắng vì hậu quả đối với an ninh châu Âu là rất nghiêm trọng”, nguồn tin này nhấn mạnh.
Mỹ là quốc gia chi nhiều nhất cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga và EU trước đây đã thừa nhận rằng châu Âu không thể lấp đầy khoảng trống nếu Mỹ rút sự hỗ trợ.
Trong khi đó, tờ Pravda (Ukraine) dẫn lời người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 4/1 thông báo rằng Nhà Trắng không có tiền để viện trợ quân sự thêm cho Ukraine cho đến khi Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới.
"Chúng tôi hiện đã trao cho Ukraine gói hỗ trợ an ninh cuối cùng trong năm 2023. Chúng tôi phải nhận được sự hỗ trợ từ Quốc hội Mỹ để có thể tiếp tục làm điều đó", ông Kirby nêu rõ.
Trước đó vào ngày 27/12/2023, Mỹ đã công bố viện trợ quân sự trị giá 250 triệu USD cho Ukraine, gói cuối cùng của năm. Hồi tháng 10/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị Quốc hội phê duyệt nguồn tài trợ bổ sung, cụ thể là hơn 60 tỷ USD cho Ukraine. Nhưng điều này đã bị mắc kẹt tại Thượng viện do những bất đồng giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ liên quan đến an ninh biên giới Mỹ - Mexico.